Công nhân Nguyễn Công Phước chăm sóc đàn hươu nái trong giai đoạn chuẩn bị sinh sản
Công ty CP Hươu giống Hương Sơn (thuộc Tổng công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh) đi vào hoạt động từ tháng 5/2015. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa có năm nào doanh nghiệp này thu lãi.
Dù đang mùa thu hoạch nhung hươu nhưng bao trùm lên “bản doanh” của Công ty CP Hươu giống Hương Sơn là không khí vắng lặng, hoang tàn. Cả khu vực chuồng trại chăn nuôi hươu bán hoang dã này chỉ có một công nhân làm việc. Trong các khu vực chuồng trại đang ngày một xuống cấp, đàn hươu lèo tèo, ốm yếu, thậm chí có những con sắp sinh sản nhưng tiều tụy, xơ xác...
Nhiều hươu nái trong giai đoạn sinh sản nhưng gầy yếu do không được đầu tư chăm sóc chu đáo.
Anh Nguyễn Công Phước - công nhân duy nhất có mặt tại đây cho biết thêm: “Toàn bộ diện tích chuồng trại là 3 ha và có 5 công nhân được bố trí làm việc tại đây. Vào thời kỳ cao điểm, nơi đây nuôi bán hoang dã 150 con các loại nhưng giờ đã bán bớt, chỉ còn 40 con. Ngoài hươu nái sắp sinh sản thì trong trại hiện có 20 con hươu đực, nhưng chỉ mới ở độ tuổi 3-4 năm nên nhung chưa to, chất lượng chưa tốt”.
Thực trạng trên trái ngược hoàn toàn với sự kỳ vọng lớn của một dự án do một doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh thực hiện, trong một lĩnh vực, sản phẩm chủ lực được xem là có nhiều lợi thế. Sản xuất không hiệu quả nên ngoài việc không thể hiện được vai trò “đầu kéo”, không giúp nông dân liên kết trong chăn nuôi hươu mà doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên. Chỉ tính riêng năm 2018, doanh nghiệp đã lỗ đến 600 triệu đồng và năm nay dự báo con số này sẽ cao hơn?!
Công nhân Công ty CP Hươu giống Hương Sơn chăm sóc số hươu đực ít ỏi, mới ở độ tuổi 3-4 năm tuổi.
Qua trao đổi với một số hộ dân sinh sống lân cận trại chăn nuôi hươu bán hoang dã này thì được biết thêm: Hiện nay, 80% hộ ở thôn Sông Con tham gia chăn nuôi hươu nên nhu cầu về giống, KHKT, tiêu thụ sản phẩm... không phải là không có.
Tuy nhiên, người chăn nuôi ở đây vẫn không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào, dù doanh nghiệp có tên khá hoành tráng, có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Chỉ có một số hộ được doanh nghiệp đề nghị lên kết bán nhung nhưng họ cũng không mấy mặn mà vì bán ngoài sẽ được giá cao hơn.
Do không có kinh nghiệm, thiếu nguồn lực đầu tư, diện tích chăn thả hẹp nên chất lượng đàn hươu nuôi bán hoang dã ở Sơn Quang hạn chế, gầy yếu, cho nhung không đẹp...
Ông Trần Viết Phong - phụ trách Công ty CP Hươu giống Hương Sơn lý giải: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, trước hết là do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng làm chuồng trại nên dù quy hoạch đến 42 ha nhưng hiện chỉ có 3 ha đất “sạch” được đưa vào sử dụng. Tiếp đến là do nguồn vốn của Tổng công ty gặp khó khăn nên không thể rót tiền vào lĩnh vực này nhiều. Ngoài ra, do đây là một lĩnh vực mới, doanh nghiệp không chuyên sâu nên làm ăn không hiệu quả...”.
“Để khắc phục dứt điểm tình trạng này, sắp tới, chúng tôi sẽ quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là chuyển giao dự án này cho một đơn vị khác có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế hơn. Hiện nay đã có đơn vị đến đề nghị được chuyển giao và đang làm các thủ tục cần thiết”.