Nhu cầu bức thiết
Cơ sở sản xuất nằm ngay trong sân nhà khiến cuộc sống của người dân trở nên ngột ngạt do bụi cưa, mùi sơn, tiếng ồn...
Con đường dẫn về xóm Tràng Sơn và Đình Sơn, xã Yên Lộc, huyện Can Lộc (hay còn gọi là làng nghề mộc Tràng Đình – PV) hai bên chất đầy gỗ và bột cưa. Ngay đầu ngõ, mùi hóa chất từ sơn PU đã xông lên nồng nặc. Xen lẫn với đó là mạt cưa, tiếng ồn của máy móc… khiến cho không khí càng trở nên ngột ngạt. Đi sâu vào trong làng, không khí ô nhiễm lại càng trầm trọng hơn. Các gia đình tận dụng mọi khoảng sân, góc nhà, lối đi, ngõ ngách làm nơi tập kết gỗ, càng khiến cho không gian làng xóm thêm bức bối.
Sản xuất mộc ở làng nghề Tràng Đình gây ô nhiễm môi trường trầm trọng
Gắn bó với nghề mộc hàng chục năm nay, anh Đặng Văn An (xóm Tràng Sơn) cho biết: “Trước đây sản xuất quy mô nhỏ nên ô nhiễm vẫn chịu được, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình mở rộng quy mô nên môi trường càng lúc càng trầm trọng. Nhu cầu chuyển cơ sở sản xuất ra địa điểm khác của gia đình hiện nay vô cùng bức thiết”.
Chỉ cần một cơn gió nhẹ, mạt cưa sẽ bay tung tóe khắp không gian làng xóm
Cùng chung nguyện vọng với anh An, anh Võ Hồng (xóm Tràng Sơn) chia sẻ: “Nghề mộc đem lại cho dân chúng tôi nguồn thu nhập đáng kể. Nhưng bụi gỗ, tiếng ồn và mùi sơn thì hành hạ chúng tôi suốt nhiều năm qua. Nhà nào làm mộc hoặc ở gần xưởng mộc, người già, trẻ nhỏ hay bị tức ngực, khó thở, lúc nào cũng phải lấy tay che mũi, bịt miệng. Đó là chưa nói, tiếng ồn từ máy cưa, máy gia công phát ra khiến bọn trẻ không thể tập trung học hành”.
Hiện thực hóa nguyện vọng
Nghề mộc phát triển, nhiều hộ dân đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Toàn xã Yên Lộc hiện có khoảng 350 hộ thuộc 2 xóm Tràng Sơn và Đình Sơn tham gia sản xuất nghề mộc, với hơn 500 lao động thường xuyên. Nghề mộc không chỉ tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Quy mô các xưởng mộc ở Yên Lộc ngày càng phát triển, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường càng lúc càng trầm trọng. Nhu cầu có một khu vực sản xuất tập trung nhằm thuận tiện cho việc xử lý bụi và rác thải, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất ngày càng bức thiết.
Thi công san lấp mặt bằng CCN Yên Huy
Để hiện thực hóa nguyện vọng của người dân, tháng 6/2017, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương dự án “Đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng CCN Yên Huy gắn với phát triển làng nghề truyền thống mộc Tràng Đình”. Theo dự án, CCN được xây dựng trên diện tích 12 ha với tổng mức đầu tư 86 tỷ đồng.
Huyện Can Lộc đầu tư xây dựng cầu Cây Khế để hoàn thiện hạ tầng vào CCN Yên Huy
Ông Dương Chí Sơn – Chủ tịch UBND xã Yên Lộc cho biết: “Sau khi có chủ trương, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư. Để tạo điều kiện cho CCN nhanh chóng triển khai xây dựng, huyện cũng đang nâng cấp, làm mới cầu Kênh, cầu Cây Khế để hoàn thiện hạ tầng vào cụm”.
Thi công đường giao thông, hạ tầng CCN Yên Huy
Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, đầu năm 2019, Công ty TNHH Yên Huy đã bắt tay khởi công xây dựng. Thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đang “dốc lực” san lấp mặt bằng, thi công đường giao thông.
Anh Tôn Đông - Giám đốc Công ty TNHH Yên Huy nhấn mạnh: “Dự kiến cuối năm 2020, CCN Yên Huy sẽ hoàn thành, thu hút khoảng 160 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đầu tư hoạt động. Mục tiêu của dự án không chỉ là đưa các cơ sở sản xuất tách khỏi khu dân cư, giải quyết ô nhiễm môi trường mà còn hướng đến phát triển hơn nữa nghề mộc Tràng Đình. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự đồng hành của các sở, ban, ngành để xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm làng nghề Mộc Tràng Đình”.