Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

(Baohatinh.vn) - Tháng 4 thường trở về trong tâm tư những cựu chiến binh (CCB) bằng âm hưởng reo vui của bài ca thống nhất. Với những cựu tù Phú Quốc năm nào, tháng 4 còn trở nên thiết tha hơn trong hồi ức về những ngày gian khổ, trong cồn cào nỗi nhớ thương đồng đội…

Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

Tháng 4 thường trở về trong tâm tư những cựu chiến binh (CCB) bằng âm hưởng reo vui của bài ca thống nhất. Với những cựu tù Phú Quốc năm nào, tháng 4 còn trở nên thiết tha hơn trong hồi ức về những ngày gian khổ, trong cồn cào nỗi nhớ thương đồng đội…

Như một lời hẹn hò định sẵn, hàng chục năm nay, mỗi dịp tháng 4 về là những cựu tù Phú Quốc ở Can Lộc, Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh lại hội ngộ để “ôn cố tri tân”. Cuộc hội ngộ này bắt đầu từ năm 1974, khi CCB Hoàng Minh Ký (TX Hồng Lĩnh) đạp xe lên chợ Trổ (Đức Thọ) để tìm đồng đội từng bị giam cầm ở Phú Quốc là ông Phạm Ngọc. Những năm tháng còn trẻ khỏe, có những lần có trên 30 người cùng hội ngộ. Nhưng dần dần, các cựu binh người còn, người mất, người suy giảm sức khỏe nên chỉ còn lại chừng dăm, bảy người là thường xuyên gặp gỡ.

Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

Các cựu tù Phú Quốc thường chọn nhà ông Phạm Ngọc ở thôn Phú Quý, xã Đức Nhân (Đức Thọ) làm nơi hội ngộ. Những cuộc gặp gỡ ấy đều diễn ra trong lặng lẽ. Bên cốc nước chè xanh, bên chén rượu nồng, họ nói với nhau về những năm tháng chiến đấu ác liệt, ôn lại với nhau chuyện ở trong tù. Chuyện có khi rôm rả, có khi lại chìm sâu trong nỗi nhớ thương đồng đội.

Năm nay, tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp ấy nhờ sự khâu nối của bạn tôi - con gái của cựu tù Phú Quốc Lê Hồng Cư. Có sự tham dự của những người trẻ như chúng tôi, cuộc hội ngộ hôm ấy như cũng trở nên rộn rã hơn. Bác Nguyễn Đình Trinh (ở Đức Thịnh, Đức Thọ) - người bị tra khảo dã man nhất tại nhà tù Phú Quốc cho biết: “Có sự quan tâm của những người trẻ như các cháu là các bác mừng lắm. Đất nước hòa bình lâu rồi, nhưng những nỗi đau chiến tranh thì giới trẻ cần phải biết và ghi nhớ cháu ạ. Ghi nhớ để biết quý trọng hòa bình, biết nỗ lực xây dựng và gìn giữ non sông”.

Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

CCB Hoàng Minh Ký trong hồi ức về những ngày bị địch tra tấn dã man ở nhà tù Phú Quốc.

Những kỷ niệm qua sự “chưng cất” của thời gian đã lắng đọng trong cảm xúc của người cựu binh già như một phần máu thịt. Câu chuyện nào cũng thật xúc động, thật đáng tự hào và thấm đẫm tình đồng bào, đồng chí. Trong rất nhiều ký ức thiêng liêng ấy, câu chuyện 3 lần vượt ngục của bác Phạm Ngọc được nhắc lại nhiều nhất với niềm tự hào rưng rưng.

CCB Phạm Ngọc nhập ngũ năm 1963, được bố trí vào Sư đoàn 325A. Năm 1968, khi đang đánh nhau với địch ở đèo Cù Mông thì ông bị lính đánh thuê Hàn Quốc bắt giữ. Tháng 3/1968, ông bị đưa ra Phú Quốc và giam cầm ở đó cho đến năm 1973 mới được trao trả. Suốt những năm tháng bị giam cầm ấy, ông Phạm Ngọc cũng như những cán bộ, chiến sỹ cách mạng Việt Nam luôn giữ vững tinh thần, bản lĩnh cách mạng. Trong tù, ông nhiệt tình tham gia các tổ chức đoàn thanh niên, chi bộ và rất hăng hái trong các hoạt động của tổ chức. Ông cũng là một trong những người hiếm hoi được tổ chức cử vượt ngục 3 lần.

Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

CCB Phạm Ngọc - người từng 3 lần vượt ngục không thành ở Phú Quốc.

Trong 3 lần vượt ngục bằng cách đào hầm, bám gầm xe chở nước và chui hàng rào thì lần chui hàng rào là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông bởi trong chuyến đi ấy, người đồng đội đi cùng là Bùi Xuân Lục (ở Đức An, Đức Thọ) đã bị vướng mìn và hy sinh. Sau lần thứ 3 vượt ngục không thành ấy, ông Ngọc bị giam vào chuồng cọp và đày ra khu biệt giam 3 tháng 7 ngày. Tại đây, ông Ngọc nhận được tình cảm đồng chí, đồng hương mà ông Lê Văn Hiền dành cho mình. Với công việc của một anh nuôi, hàng ngày, ông Hiền vẫn lén trộn thêm thức ăn khi đưa cơm ra khu biệt giam cho ông Ngọc.

Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

CCB Nguyễn Đình Trinh

CCB Lê Văn Hiền cho biết: “Những năm tháng ấy, nhìn cảnh đồng đội bị tra tấn, lòng tôi đau quặn nhưng chỉ dám đứng từ xa nhìn. Cách để an ủi, động viên bạn duy nhất là lén trộn thêm thức ăn vào cơm cho bạn. Hồi ấy, cả nhà tù Phú Quốc không ai không biết ông Ngọc. Thậm chí cả cai tù người Hàn Quốc còn bày tỏ thái độ khâm phục. Với chúng tôi, ông Ngọc là tấm gương sáng”.

Hành động vượt ngục quả cảm của ông Ngọc là bài học sống động, động viên tinh thần anh em, nhất là với những người cùng đơn vị, cùng quê hương. Bởi thế, nhiều người dù bị đánh đập tra khảo dã man cũng quyết không khai. Trong đó, tiêu biểu như ông Nguyễn Đình Trinh là người cùng quê, cùng đơn vị, cùng bị bắt và đưa ra Phú Quốc. Ở trong tù, ông Trinh thường xuyên bị đánh đập tàn bạo đến mức bị điếc nhưng ông luôn nhớ lời thề danh dự khi nhập ngũ mà cắn răng chịu đựng, quyết không khai. Hay như ông Hoàng Minh Ký (nay ở TX Hồng Lĩnh) bị địch tra tấn bằng cách róc thịt bắt ăn vẫn hiên ngang nói “thịt tao tao ăn”. Ông Ký còn làm thơ động viên tinh thần đồng đội: “Dụ dỗ không xong lại khảo tra/ Thành trì bảo bọc chỉ là da/ Chết đi sống lại bao nhiêu trận/ Chiến thắng cuối cùng chính là ta”…

Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

Ông Lê Hồng Cư với nỗi nhớ thương, day dứt về người đồng đội cũ.

Trở về từ cuộc chiến khốc liệt, trải qua những năm tháng giam cầm đằng đẵng, ngoài những vết thương trên thịt da, các cựu tù Phú Quốc còn nặng trĩu trong lòng nỗi nhớ thương đồng đội. Ông Lê Hồng Cư - cựu binh Trung đoàn 812, Sư đoàn 324B (hiện trú tại thôn Trà Sơn, Phú Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Hồi ấy, ở trong tù, càng bị đánh đập tàn bạo thì anh em chúng tôi càng đoàn kết, yêu thương nhau nhiều hơn. Ở cùng phòng giam với tôi hồi đó có anh Bôn quê ở Thanh Hóa, trước hôm anh vượt ngục có đổi áo cho tôi và nói để làm kỷ niệm, sau này hòa bình còn đi tìm nhau. Nhưng thật không may, lần vượt ngục đó, anh bị dính mìn và hy sinh. Tình cảm gắn bó khiến tôi thương nhớ anh khôn nguôi”.

Cuộc hội ngộ tháng tư của cựu tù Phú Quốc

Bên chén trà, những ký ức lại gợi về ký ức...

Cuộc hội ngộ tháng 4 của các cựu tù binh Phú Quốc như cứ muốn dài mãi bởi những ký ức cứ gợi lên ký ức. Vùng ký ức ấy năm nào cũng được thức dậy nhưng chưa bao giờ là cũ bởi mỗi lần kể lại là lại đầy ắp những lớp lang cảm xúc mới. Bài ca thống nhất đã được tấu lên trên khắp 2 miền Nam - Bắc 44 năm và trong tâm tư những người lính, có một bài ca về đồng chí, đồng đội, về những năm tháng chiến đấu gian khổ cũng luôn vang lên trong lồng ngực mỗi độ tháng 4 trở về…

thiết kế: huy tùng

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.