Trích đoạn trong MV “Can Lộc chung tay đẩy lùi COVID-19”.
Gần 2 tháng kể từ ngày MV “Can Lộc chung tay đẩy lùi COVID-19” được phát hành, nhiều người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn đã thuộc lòng những trích đoạn trong tổ khúc dân ca ví, giặm phòng chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Can Lộc cho biết: “Đợt dịch thứ 4 bùng phát ở Can Lộc, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Mỗi ngày, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội truyền đi hình ảnh về những vất vả, khó khăn của lực lượng tuyến đầu, của chính quyền các cấp và sự sẻ chia của cộng đồng dân cư qua mỗi hành động, việc làm. Với mong muốn phát huy vai trò của ngành văn hóa trong cuộc chiến này, tôi ấp ủ ý tưởng và đã sáng tác tổ khúc dân ca ví giặm để tuyên truyền, cổ vũ người dân tham gia chồng chống dịch”.
Tổ khúc dân ca: “Can Lộc chung tay đẩy lùi COVID” là cả một câu chuyện, từ lúc dịch bệnh bùng phát ở Tùng Lộc, Khánh Vĩnh Yên… đến ngày những chuyến xe đón người dân Can Lộc từ các tỉnh phía Nam trở về quê hương trong vòng tay chia sẻ của cả cộng đồng.
Phó Giám đốc TTVHTT huyện Can Lộc Nguyễn Thị Huệ đã trăn trở sáng tác tổ khúc dân ca “Can Lộc chung tay đẩy lùi COVID-19”.
Với ca từ mộc mạc, dung dị, làn điệu dân ca ví, giặm truyền thống dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người đã động viên, khích lệ tinh thần của người dân, là thông điệp tuyên truyền hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ta nhắc nhau thực hiện/ Các chỉ thị đã ban hành/ Dưới sự chỉ đạo của cấp trên/ Cùng khuyến cáo 5K nào hãy tuyên truyền/ Ta quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh/ Cùng đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh (trích đoạn tổ khúc dân ca “Can Lộc chung tay đẩy lùi COVID-19”).
“Những ngày dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, chúng tôi hoang mang lắm. Thế nhưng, khi được nghe những làn điệu của quê hương với lời cổ vũ, động viên Nhân dân cùng quyết tâm khắc phục khó khăn, phòng chống dịch, tôi cảm thấy yên lòng và vững tin hơn nhiều” - bà Nguyễn Thị Tịnh, xã Tùng Lộc tâm sự.
MV ra đời đã tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, trở thành bài tuyên truyền phòng chống dịch tại các địa phương trên toàn tỉnh. “Nhiều cụ già, em nhỏ, khi nghe ca khúc đã bày tỏ mong muốn được học lời bài hát, được học hát dân ca ví giặm” - bà Nguyễn Thị Huệ cho biết thêm.
Từ tổ khúc dân ca ví, giặm về phòng chống dịch đầu tiên ấy, phong trào sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca truyền thống để phục vụ công tác tuyên truyền đã lan tỏa ở nhiều trường học trên địa bàn Can Lộc như: THCS Xuân Diệu, Mầm non Hoa Hồng, Mầm non Trung Lộc…
Cô Hoàng Thị Khiêm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Lộc cho rằng: Để thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, đồng thời tuyên truyền cho các cháu ý thức phòng chống dịch, chúng tôi nghĩ rằng, cách làm hiệu quả nhất vẫn là cho các cháu nghe, tập cho các cháu hát những trích đoạn dân ca ví giặm".
Cô, trò Trường Mầm non Trung Lộc làm quen với trích đoạn dân ca lời mới về phòng, chống dịch.
Chỉ sau 3 tuần kể từ ngày học sinh đi học trở lại, đến nay, các cháu 3 tuổi cũng đã bắt đầu làm quen với làn điệu dân ca. Các cháu lớp 4, 5 tuổi đã có thể thuộc lòng những trích đoạn về đề tài phòng chống dịch: “Đeo khẩu trang, không tụ tập/ Giữ khoảng cách an toàn/ Tay sát khuẩn thường xuyên/ Đi đâu cần khai báo/ Chung sống an toàn… (ờ ơ) với dịch bệnh”…
Trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 ở Can Lộc, đã có nhiều trích đoạn, tổ khúc dân ca ví, giặm ra đời. Những lời ca, tiếng hát mang đậm hơi thở của cuộc sống, là cảm xúc, suy nghĩ của người dân được gửi gắm qua làn điệu vừa nhẹ nhàng, da diết và lắng đọng, vừa sôi động, thúc giục, thu hút sự chú ý của cộng đồng, góp phần lan tỏa những thông điệp phòng chống dịch.