Nhiều công trình “quên” người khuyết tật
Từ năm 2002, Bộ Xây dựng đã ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm NKT tiếp cận sử dụng; đến năm 2014, Bộ Xây dựng có Thông tư 21/2014/TT-BXD, ngày 29/12/2014 ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng”, mã số QCVN 10:2014/BXD. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015. Theo đó, quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.
Nhiều công trình không có được tiếp cận nên người sử dụng xe lăn phải có người trợ giúp khiêng qua những bậc thang.
Tuy nhiên, qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều công trình dù mới được xây dựng nhưng chưa đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng như: trụ sở UBND, hội trường xã, phường; trường học; trụ sở các ngân hàng; hội quán; khách sạn; siêu thị.... hoặc nếu có thì lại không đủ tiêu chuẩn, chưa tạo thuận lợi cho NKT sử dụng. Nhiều trụ sở cơ quan nhà nước chưa được các chủ đầu tư quan tâm, xây dựng các hạng mục hỗ trợ NKT như lối đi riêng, nhà vệ sinh. Muốn lên được các tầng cao, nhiều NKT phải vất vả vượt qua những bậc thang ở tiền sảnh để vào được thang máy. Những người đi xe lăn nếu không có sự giúp đỡ của người thân thì đành… chịu thua.
Công trình trụ sở UBND phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) mới được đầu tư xây dựng hiện đại. Thế nhưng, công trình không có đường tiếp cận để NKT đến giao dịch. Phòng giao dịch “một cửa” của UBND phường được bố trí ngay sảnh tầng 1, NKT muốn đến giao dịch thì phải vượt qua bậc cầu thang mới có thể lên giao dịch được.
Hội trường UBND xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh) dù được chủ đầu tư quan tâm thiết kế xây dựng đường tiếp cận cho NKT nhưng độ dốc quá lớn, lại không có tay vịn nên những người đi xe lăn không thể lên được.
Ngay cả loại dịch vụ thông dụng như điểm rút tiền tự động (ATM), điểm chờ xe buýt đều không được lắp đặt, thiết kế, trang bị một số tiện ích hỗ trợ NKT.
Làm đường tiếp cận cho người khuyết tật
Theo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, hiện Hà Tĩnh có gần 59.000 NKT (đối tượng xã hội, thương binh và những người hưởng chính sách như thương binh). Để đáp ứng, hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng, từ năm 2013, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi đã triển khai mô hình thí điểm làm 66 đường tiếp cận (trong đó, tại gia đình 38 đường) với tổng kinh phí 110 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tại 2 xã Cẩm Thành, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên). Từ những mô hình thí điểm tại 2 xã trên đạt kết quả tốt, Tỉnh hội đã phát động trong hệ thống hội để làm đường tiếp cận cho NKT nghèo. Tính đến nay, toàn tỉnh đã làm được 178 đường tiếp cận cho NKT từ nhà gia đình, trụ sở UBND xã, trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn, phòng giao dịch “một cửa” xã...
Với sự hỗ trợ xây dựng đoạn đường tiếp cận từ nhà ra đến đường hoặc từ sân lên nhà giúp NKT chủ động hơn trong việc đi lại. Bị bại liệt từ nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân của em Hoàng Đình Dũng (xã Cẩm Thành) đều dựa vào sự giúp đỡ của người thân. Chị Trần Thị Hồng - mẹ em Dũng cho biết, cứ chiều đến, Dũng đều muốn được cha, mẹ đẩy đi dạo quanh xóm nhưng do thềm nhà quá cao so với sân nên việc đẩy xe ra vào khó khăn và mất thời gian. “Từ năm 2013, gia đình được Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ xây đoạn đường tiếp cận từ nhà xuống sân, mỗi lần đưa cháu đi chơi xung quanh xóm được dễ dàng hơn, cháu thấy vui và tinh thần phấn khởi hơn trước” - chị Hồng chia sẻ.
Cũng là hội viên được hỗ trợ làm đường tiếp cận, anh Nguyễn Văn Hòa (xã Cẩm Lĩnh) cho biết: “Trước đây, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, sân cũng không xuống được, nhưng từ khi có đường tiếp cận, tôi đã tự đi lại và giao lưu với bạn bè nhiều hơn”.
Ông Dương Hữu Giáo - Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh cho biết, qua thực hiện phong trào tặng xe lăn, xe lắc cho NKT, ban chấp hành hội nhận thấy, nhiều hội viên không sử dụng hết công năng của xe. Họ chỉ sử dụng xe quanh quẩn trong nhà, ít khi đi đến những nơi công cộng, do mỗi lần muốn ra ngoài phải nhờ sự giúp đỡ của người thân. Chương trình làm đường tiếp cận đã phát huy hết chức năng của xe lăn, xe lắc, giúp NKT đi lại thuận tiện. Qua khảo sát, chúng tôi thấy mô hình này thực sự mang lại hiệu cao cho NKT. Hy vọng, thời gian tới, các công trình công cộng, trụ sở cơ quan... sẽ được cải tạo và thiết kế sao cho NKT dễ tiếp cận. Đặc biệt, khi xây dựng các công trình mới, chủ đầu tư cần quan tâm đến lối đi dành cho NKT.