Mỗi năm HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Trung Khang sản xuất 7.000 lít nước mắm
HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Trung Khang hoạt động trong lĩnh vực thủy hải sản từ năm 1999 trên danh nghĩa tổ hợp tác. Đến năm 2016, các thành viên tổ hợp tác kiện toàn lại và thành lập HTX theo Luật mới 2012. Đến nay, nguồn vốn cố định của HTX đạt trên 3 tỷ đồng.
Mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 7.000 lít nước mắm, 300 tấn ruốc, chế biến 600 tấn sứa và thu mua, tiêu thụ trên 10.000 tấn cá các loại. Thị trường chủ yếu của HTX là các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt, sứa đã xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng lớn. Giai đoạn cao điểm (từ tháng 1 đến tháng 5), HTX giải quyết việc làm cho trên 40 lao động địa phương với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Chỉ được thuê đất 5 năm nên HTX chỉ mới đầu tư 400 triệu đồng, xây dựng hạ tầng một cách tạm bợ, chắp vá
Được biết, doanh thu năm 2017 của HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Trung Khang trên 5 tỷ đồng. Hiện nay, HTX có nhiều đối tác tiềm năng, làm ăn lâu dài trên cơ sở mở rộng quy mô sản xuất.
Tuy nhiên, điều mà HTX e ngại là đất đai và hạ tầng. Năm 2017, HTX thuê 1.000 m2 tại thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang làm cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên, HTX chỉ được duyệt thuê đất trong 5 năm. Quãng thời gian quá ngắn ngủi nên HTX chỉ mới đầu tư 400 triệu đồng, xây dựng hạ tầng một cách tạm bợ, chắp vá.
Bà Trần Thị Hà – Giám đốc HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Trung Khang cho biết: "Khu đất được thuê nằm cạnh biển, mùa mưa bão HTX không thể sản xuất, ảnh hưởng lớn tới doanh thu. HTX phải tận dụng diện tích đất ở của thành viên để sản xuất. Tuy nhiên, cũng chỉ thêm được 100m2; các cơ sở sản xuất phân bố rải rác chưa phát huy hiệu quả. Ngoài ra, không có kho đông lạnh nên mỗi khi thu mua thủy hải sản, HTX phải vận chuyển ra huyện Diễn Châu (Nghệ An) để gửi, rất bị động và tốn kém chi phí".
Mong muốn của HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Trung Khang là được thuê đất lâu dài để đầu tư hạ tầng bài bản với dây chuyền sản xuất khép kín hiện đại.
Mong muốn của HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Trung Khang là được thuê đất lâu dài để đầu tư hạ tầng bài bản với dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại. Bao gồm kho đông lạnh, máy sấy cá, ruốc, máy sản xuất đá lạnh… Khi hạ tầng đảm bảo thì HTX mới yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao nguồn thu.
Điều quan trọng nữa là, vì chưa được thuê đất ổn định, lâu dài, HTX cũng chưa dám đầu tư nguồn lực lớn xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Do vậy, sau quy trình sản xuất, chế biến thủy hải sản, toàn bộ nước thải của HTX được xả thẳng ra biển. Nếu thực trạng này kéo dài, ô nhiễm môi trường là nguy cơ hiện hữu. Đó cũng là điều trăn trở nhất của bản thân HTX Trung Khang và người dân quanh vùng.
Sau quy trình sản xuất, chế biến thủy hải sản, toàn bộ nước thải của HTX được xả thẳng ra biển.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết: Sau thời gian bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, đến nay khối HTX thủy hải sản nói chung, HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Trung Khang nói riêng đã trở lại sản xuất ổn định. Tuy nhiên, khó khăn về đất đai, hạ tầng đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX này.
“Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức làm việc với UBND huyện Kỳ Anh đề nghị có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để HTX có mặt bằng mở rộng sản xuất, chế biến thủy hải sản. Trong đó, địa phương cần ưu tiên bố trí cho HTX thuê mặt bằng ở địa điểm quy hoạch nông thôn mới, thuận tiện về giao thông và các điều kiện giao thương khác. Có như vậy HTX mới phát huy được hết năng lực, lợi thế của mình” - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nói thêm.