Khu chế biến của HTX nằm ngay bên đường ven biển nên thuận lợi giao thông
Trên khu đất rộng 6.000 m2 nằm dọc tuyến đường ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng (ở thôn Xuân Phú, xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh), HTX Phú Khương đang từng bước mở rộng quy mô ứng dụng dây chuyền công nghệ mới vào sản xuất.
Từ năm 2017 đến nay, HTX Phú Khương đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng 30 bệ nước mắm bằng tấm năng lượng mặt trời tự đảo. Nhờ ứng dụng công nghệ này, HTX đã nâng cao được chất lượng sản phẩm.
Năm 2017, HTX đầu tư 30 bệ sản xuất nước mắm bằng công nghệ năng lượng mặt trời
Chị Nguyễn Thị Phương – thành viên HTX cho biết: “Quy trình sản xuất nước mắm bằng công nghệ năng lượng mặt trời về cơ bản vẫn giống như quy trình làm nước mắm truyền thống. Khác là ở chỗ quá trình đảo, rang phơi được thực hiện bằng nguồn nhiệt thu được từ các tấm pin năng lượng mặt trời. Nhờ vậy, quá trình sản xuất rút ngắn được một nửa thời gian. Bên cạnh đó, với tấm thu năng lượng mặt trời, công đoạn sản xuất sẽ được bỏ qua việc mở nắp thùng ủ nên không bay hơi, chất lượng nước mắm vì vậy sẽ ngon hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn”.
Nhờ ứng dụng công nghệ mới nên chất lượng sản phẩm ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Dù sản xuất theo công nghệ mới, HTX vẫn giữ được bí quyết riêng để đảm bảo thương hiệu nước mắm Phú Khương. Theo đó, HTX tuân thủ nghiêm ngặt quá trình tuyển chọn nguyên liệu đầu vào, bao gồm: Cá phải là loại tươi ngon, muối được cất trữ trên 2 năm. Để tăng thêm vị thơm ngon, bí quyết của HTX là sử dụng thính gạo rang vàng.
Bí quyết để nước mắm sánh vàng, ngon đặc trưng là nhờ thính gạo
“Theo khoa học thì không cần sử dụng thính gạo nhưng với người sản xuất nước mắm lâu đời ở Kỳ Xuân thì thính gạo là nguyên liệu đặc biệt không thể thiếu. Đây cũng là nét riêng biệt làm nên vị thơm ngon đặc trưng, khiến nước mắm Phú Khương khác các loại nước mắm khác trên thị trường” – Giám đốc HTX Lê Thị Khương chia sẻ.
Nước mắm Phú Khương đã xây dựng được thương hiệu với nhãn mác để người tiêu dùng nhận diện
Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học & công nghệ, nước mắm Phú Khương đã xây dựng được thương hiệu, nhãn mác để người tiêu dùng nhận diện. Từ đây, việc tìm kiếm thị trường của HTX rẽ sang một trang mới. Không chỉ cung cấp cho các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, nước mắm Phú Khương còn “theo chân” các hội chợ để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.
Nước mắm Phú Khương được lựa chọn là sản phẩm OCOP của tỉnh
Tin vui đến với các xã viên HTX khi mới đây, trong cuộc bình chọn các sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh để xây dựng đề án OCOP – mỗi xã phường một sản phẩm, nước mắm Phú Khương đã lọt top đầu danh sách. Là sản phẩm OCOP, nước mắm Phú Khương sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trong xây dựng thương hiệu, mã vạch, nhãn mác, vỏ chai…
Sản xuất bằng công nghệ mới không phải mở nắp thùng ủ nên nước mắm không bị bay hơi mà giữ nguyên độ đạm
Mở rộng sản xuất và phát triển thị trường, HTX Phú Khương ngày càng xây dựng được thế đứng vững chắc, tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Từ quy mô Tổ hợp tác (năm 2012) sản xuất 20 tấn cá/năm, đơn vị đã chuyển đổi thành mô hình HTX (năm 2015) sản xuất gần 200 tấn cá/năm.
Riêng năm 2017, HTX sản xuất 20.000 lít nước mắm. Cùng với sản phẩm khô tiêu thụ, doanh thu năm 2017 của HTX ước đạt 6 tỷ đồng. Trừ chi phí, HTX thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2018, HTX thu mua gần 300 tấn cá cơm, cá trích các loại. Dự kiến cuối tháng 10 (âm lịch), các bệ ủ nước mắm này sẽ cho thu hoạch.
HTX nhập về máy móc kho đông lạnh để chuẩn bị lắp đặt
Với sự phát triển lớn mạnh như hiện nay, HTX Phú Khương đang nhập về máy móc để xây dựng kho đông lạnh. Bên cạnh đó, HTX dự định sẽ đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng để mở rộng thêm 30 bệ ủ nước mắm bằng công nghệ năng lượng mặt trời. Mục tiêu của HTX Phú Khương là trở thành đầu mối đưa nghề sản xuất nước mắm truyền thống của vùng ngày càng phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.