Thực trạng đáng lo ngại
Bèo tây hay còn gọi là lục bình, bèo Nhật Bản xuất hiện ở Hà Tĩnh cách đây nhiều năm. Ban đầu, bèo tây được dùng để xử lý các vùng nước bị ô nhiễm, làm thức ăn gia súc, phân bón nhưng do tốc độ sinh trưởng quá nhanh, nhất là “nước càng ô nhiễm, bèo tây càng phát triển” nên chỉ trong thời gian ngắn, nhiều dòng sông, kênh rạch bị loại bèo này phủ kín.
Đoạn gần cống Đò Điểm (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh)...
... và ở cả hạ lưu sông sông Én Lộc Hà bị bèo tây vây kín
Bèo tây quá dày đặc đã gây tắc nghẽn dòng chảy các con sông, gây khó trong việc tưới tiêu, việc nuôi trồng thủy hải sản. Các mảng bèo tây lớn còn là môi trường lý tưởng cho đàn chuột sinh sôi, phá hoại mùa màng.
Bèo tây hiện “có mặt” khắp các huyện thị của Hà Tĩnh. Có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các con sông lớn như hệ thống sông Ba Nái, sông Già (thuộc huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà), sông Én (huyện Lộc Hà), sông Đò Bang (huyện Thạch Hà) cùng rất nhiều con sông nhỏ, kênh rạch bị bèo tây “xâm lấn”.
Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, bèo tây trôi theo dòng chảy tập trung ở các cống tiêu thoát lũ khiến việc thoát lũ chậm, gây ngập úng và thời gian ngập lâu hơn.
Cảng Cửa Sót (Thạch Kim - Lộc Hà) là một trong những nơi thường xuyên bị bèo tây "ghé thăm"
Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho hay: "Vào mùa mưa lũ, bèo tây làm tắc nghẽn các cống Cầu Trù và các nhánh sông của dòng sông này khiến việc tiêu thoát nước chậm, gây ngập lụt cục bộ các xã Phù Lưu, Hồng Lộc. Từ cống Đò Điểm, bèo tây trôi theo dòng nước, vây các lồng bè nuôi cá khiến lượng oxy bị giảm, dẫn tới cá bị chết, chậm lớn. Thêm nữa, bèo tây sau khi trôi ra biển thì bị sóng đánh dạt lại, tràn vào bãi biển Xuân Hải (xã Thạch Bằng), gây nên cảnh nhếch nhác, ảnh hưởng tới du lịch của địa phương".
"Khi bèo tây bị chết được ít ngày, nửa chìm nửa nổi, lềnh bềnh trên mặt nước sẽ cuốn vào bánh lái, chân vịt của các tàu đánh cá gây hư hỏng, thiệt hại về tài sản cho ngư dân ra vào cảng Cửa Sót", ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh nói và cho biết, để giải quyết tình trạng này, đơn vị phải căn theo dòng thủy triều rồi cử nhân công chèo thuyền, dùng sào đẩy từng mảng lục bình trôi ra biển.
Tàu bè khó di chuyển ở những nơi bèo tây có mặt
Trước thực trạng bèo phát triển dày đặc trên các tuyến sông, kênh rạch, ngành chức năng Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương chủ động trong việc huy động nhân lực trục vớt, đồng thời áp dụng công nghệ, máy móc vào xử lý “vấn nạn” bèo tây.
Năm 2014, anh Phạm Đình Quỳnh trú ở thôn Ban Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc đã đầu tư chiếc máy băm vớt bèo trị giá gần 1 tỷ đồng với hy vọng có thể dọn sạch bèo ở các dòng sông. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hồng Kiệm - Chủ tịch HĐND xã Quang Lộc, hiện nay, chiếc máy đã trở thành “đống sắt vụn”.
“Chiếc máy mua ở miền Nam, ở trong đó rễ bèo tây ngắn thì máy còn vớt được, chứ ở mình, rễ bèo tây dài, cắm sâu xuống bùn, nếu muốn vớt lên băm được thì phải thuê nhân công xử lý trước dẫn tới chi phí lớn nên họ đã bỏ cuộc” - ông Kiệm thông tin.
Tất cả cùng vào cuộc
Qua trao đổi với lãnh đạo các địa phương, đơn vị có chức trách, phương án xử lý bèo tây hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở việc huy động nhân lực để vớt. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình, phương pháp thủ công này chỉ như “muối bỏ bể”, bởi lượng bèo tây quá lớn và chỉ ít ngày sau khi vớt, chúng lại sinh sôi trở lại như cũ.
“Vấn nạn bèo tây không chỉ mỗi Hà Tĩnh mà gần như cả nước đều bị. Ngành thủy lợi cũng “bó tay” trước thực trạng bèo tây lấn sông, kênh rạch” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Ngô Đức Hợi thông tin.
Cống tiêu thoát nước bị bèo bây phủ kín
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho hay, những năm trước, sở đã cử cán bộ đã hướng dẫn cho một số xã và người dân về việc xử lý bèo tây thành phân vi sinh hay thức ăn chăn nuôi.
“Như phân vi sinh làm ra bao nhiêu cũng cần vì Hà Tĩnh đang đi theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bèo được ủ ngay tại ruộng mà không cần phải đưa về nhà. Một tấn bèo chỉ hết 30 nghìn đồng tiền chế phẩm”, ông Văn nói và cho biết, dù đã “cầm tay chỉ việc” cho người dân nhưng sau đó, vì không được hỗ trợ, khuyến khích nên được “vài bữa là thôi”.
Theo ông Đỗ Khoa Văn, năm 2018, Sở có phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế triển khai đề tài về máy băm vớt, đóng gói bèo tây nhưng rồi cũng không thể thực hiện do không có đơn vị nào nhận chuyển giao, cũng như khó khăn về chính sách, chi phí và nhiều vấn đề liên quan khác.
"Vấn nạn" bèo tây khiến ngành chức năng Hà Tĩnh đau đầu tìm hướng xử lý
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh nhận định rằng, về mặt công nghệ hoàn toàn có thể xử lý được “vấn nạn” bèo tây. Đối với những nói có lượng bèo tây lớn, dày thì có thể dùng máy múc vớt lên rồi cho xe chở tới nơi xử lý. Với những chỗ bèo chưa quá dày, thì huy động nhân lực vớt thủ công, cái này cần có “chiến dịch”.
“Quan trọng nhất là việc tổ chức vớt bèo sao cho hiệu quả, còn việc xử lý thì không khó”, ông Văn nhận định.
Để giải quyết triệt để thực trạng bèo tây lấn sông, kênh rạch, theo ông Đỗ Khoa Văn, UBND tỉnh có thể giao cho sở ngành nào đó nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề án xử lý đồng bộ.
“Nếu tất cả cùng vào cuộc thì có thể xử lý triệt để được “vấn nạn” bèo tây”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh tin tưởng.