Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam Nguyễn Đình Vin: Ngày xưa, từ đây vào tít trong kia là rừng phi lao chắn sóng, chắn gió, ngăn biển xâm thực...
Đe dọa đời sống dân sinh
Dẫn chúng tôi ra Mũi Đao, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam Nguyễn Đình Vin nói với giọng tiếc nuối: Ngày trước, từ đây ra đến tít ngoài kia là rừng phi lao chắn sóng và trảng cát dài. Thế rồi, biển ngày càng lấn sâu vào bờ. Đặc biệt, cơn bão số 10 (năm 2017) tàn phá rừng phòng hộ, mức độ xâm thực của biển ngày càng khủng khiếp hơn. Ước chừng mỗi năm, hàng chục mét bờ “chuồi” ra biển. Toàn bộ bãi biển của xã Kỳ Nam đã bị biển lấn, nghiêm trọng nhất là hơn 1 km từ đây đến thôn Minh Đức, có nơi vào sâu hơn 50 mét.
Hàng trăm nghìn m2 bãi cát ven bờ đã trôi vào "bụng" biển, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Hiện hữu nhất, “có 7 hộ dân xóm Minh Đức, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, gần 1 năm nay họ phải đi gánh nước sạch ở xóm khác về dùng” – ông Vin cho biết thêm.
Sóng biển, triều cường đã "hạ gục" rừng phòng hộ với những gốc phi lao cổ thụ.
Ngay cạnh nơi chúng tôi đứng, Khách sạn Hoành Sơn của Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Đức đang dựa lưng vào… sóng. Cách đây năm 5, khu nhà này được xây dựng, phía sau có 1 đoạn bờ kè, rừng phi lao chắn sóng và triền cát chạy dài ra mép biển. Vậy mà giờ đây, “hậu cảnh” đã biến mất, đơn vị phải đắp đá kè bờ ngay sát hiên nhà.
Anh Nguyễn Công Minh - cán bộ Khách sạn Hoành Sơn cho biết: Cơn bão số 10 cuốn trôi bờ kè và rừng chắn sóng. Hiện tại, chúng tôi phải làm bờ kè tạm nhưng cũng không ăn thua. Mùa mưa bão, sóng xõa cả vào tầng trệt. Cũng vì thế, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, khách nghỉ dưỡng không dám mạo hiểm “đánh đu” với sóng biển.
"Khiên" chắn sóng không còn, Khách sạn Hoành Sơn phải đắp đá kè bờ ngay sát hiên nhà.
Tương tự như xã Kỳ Nam, những năm qua, tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển tại xã Kỳ Lợi liên tiếp diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Bờ biển ở đây hầu như không còn rừng phòng hộ, sóng biển đánh trực tiếp vào đất liền, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Biển ngày càng lấn vào đất liền, nhiều hôm biển nổi sóng dữ dội, nước dâng cao và đổ ầm ầm khiến bà con thấp thỏm lo âu.
Theo ông Võ Xuân Thịnh (thôn Hải Phong): “Gia đình tôi sống ở đây từ bao đời. Trước đây, ngôi nhà này nằm cách bờ hàng trăm mét, nay đã ra tận biển. Với tốc độ sạt lở nhanh như thế này, không biết mùa mưa bão năm nay, ngôi nhà của tôi có còn trụ được không...”.
Biển lấn đất liền, những ngôi mộ ở thôn Hải Phong cần được di dời khẩn cấp.
Tàu thuyền "vất vả" ra vào
Thời điểm này đang là mùa đánh bắt hải sản chính trong năm nhưng nhiều tàu, thuyền đánh cá của bà con ngư dân các xã vùng biển TX Kỳ Anh gặp khó khăn trong việc ra khơi do các cửa biển bị cát bồi lấp, mực nước quá cạn.
Xã Kỳ Ninh có hàng chục km bờ biển với hàng trăm hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Toàn xã hiện có 131 tàu thuyền đánh cá. Biển lấn bờ, đồng nghĩa với việc đất cát, cây cối bồi lấp mặt biển, cản trở tàu thuyền ra vào.
Tình trạng sạt lở, bồi lắng dọc theo bãi biển...
“Sau mỗi chuyến đi biển trở về, chúng tôi phải thuê thuyền nhỏ để chuyển hải sản vào. Còn tàu lớn, phải chờ nước thủy triều lên đạt đỉnh mới vào được. Nếu mạo hiểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mới đây thôi, chiếc tàu của anh Quý ở thôn Tam Hải bị mắc cạn khi cố tiến vào bờ” - một ngư dân tại xã Kỳ Ninh chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh Lê Công Đường, những năm gần đây, hơn 10 km bờ biển của xã đã bị biển xâm thực từ 50 – 70m. Bờ biển bị sạt lở, bồi lấp khiến Cửa Khẩu bị thu hẹp, tàu thuyền lớn không thể vào, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của bà con ngư dân. Muốn kè bờ, nạo vét luồng lạch thì xã không đủ lực.
... cản trở tàu thuyền của ngư dân vào, ra đánh bắt hải sản.
Vấn nạn biển xâm thực ở TX Kỳ Anh đang hiện hữu, trở thành mối lo thường trực của người dân ven biển. Tuy nhiên, để khắc phục thực trạng này là bài toán nan giải bởi quy mô đầu tư quá lớn, trong khi nguồn lực của địa phương không thể đáp ứng.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh cho biết: Trên địa bàn TX Kỳ Anh, có 3 xã: Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biển xâm thực. Theo đó, có hàng chục km chiều dài bờ biển đã bị cuốn trôi. Hiện tại, địa phương đã thống kê, có phương án di dời những hộ dân bị đe dọa cấp bách. Giải pháp lâu dài vẫn là kè bờ, làm đê biển nhưng kinh phí quá lớn, huyện đã lập tờ trình gửi UBND tỉnh tìm phương án đầu tư, xử lý.