Tượng Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ tại đền thờ ở phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh
Sử sách ghi lại, Đô đài Bùi Cầm Hổ quê ở xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, nay phường xã Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Ông sinh năm 1390, mất năm 1483, làm quan Ngự sử dưới ba triều vua Lê (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông). Ông là người nổi tiếng ngay thẳng, đức độ và đã 2 lần đi sứ nhà Minh làm rạng danh nước Việt.
Theo tư liệu của dòng họ, Bùi Cầm Hổ là con trai của Bùi Tôn Đường và Bạch Thái Bà, khi sinh ra có tướng mạo khác thường, mắt sáng, da đen. Ngày Bạch Thái Bà trở dạ có nghe tiếng hổ gầm quanh nhà cùng một luồng hồng vận với mùi thơm lạ. Ông Bùi Tôn Đường sang nhà chùa gần đó thỉnh cầu nhà sư, được bảo là điềm lành “Thiên nhạc giáng Thần”, lấy làm mừng và nhân đó đặt tên con trai với nghĩa là: "Họ Bùi bắt được hổ".
Cậu bé Hổ chóng lớn, sáng dạ, là một học trò văn hay, chữ tốt, nhanh nhẹn, thông minh, khẳng khái hơn người, càng lớn càng bộc lộ những nét tài hoa. Tuy dáng vóc và dung nhan dữ tợn, nhưng lại có rất nhiều bạn hữu. Dù gia cảnh không mấy khá giả nhưng Bùi Cầm Hổ được cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng, cho ra kinh thành Thăng Long theo học với mong mỏi sẽ giành khoa bảng. Không phụ lòng cha mẹ, Bùi Cầm Hổ gắng công học tập. Với tính cách thân tình, chỉ một thời gian ngắn học ở kinh thành, Bùi Cầm Hổ đã có nhiều người bạn thân thiết.
Bên trong đền thờ Bùi Cầm Hổ.
Khi đang dùi mài kinh sử, Bùi Cầm Hổ tình cờ nghe câu chuyện anh lái buôn đi làm xa lâu ngày về được vợ nấu cháo lươn cho ăn rồi đột ngột qua đời. Bị tố giác đầu độc giết chồng, người vợ đã bị quan xử kiện bắt hạ ngục. Tìm hỏi nguyên do, Bùi Cầm Hổ biết người đàn bà kia bị oan nên nhận làm minh chứng để gỡ tội cho người ấy.
Ông cho biết, chỉ cần tìm mua loại lươn vàng, ở cổ có những chấm đen lốm đốm, thả vào chậu nước, đầu nó ngẩng cao như đầu rắn, đó chính là loại lươn độc, ăn nhầm sẽ ngộ độc chết ngay. Quan xử kiện sai cho nấu cháo cho tử tù ăn. Tử tù ăn cháo xong thì chết, người vợ kia được minh oan. Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau khi nghe tấu trình về cậu học trò giải án oan thì rất phục, mời Bùi Cầm Hổ vào triều trọng thưởng, đặc cách ban cho chức quan dù chưa qua thi cử.
Ngôi đền thờ Đô đài Bùi Cầm Hổ nằm uy nghi dưới chân núi Bạch Tỵ
Bùi Cầm Hổ nổi tiếng bởi tài năng, đức độ và phong tiết của mình. Đối với chính sự, ông là bậc sĩ phu tận tâm, quyết đoán, công minh, cương trực. Ở bất cứ vị trí nào, Bùi Cầm Hổ đều nổi tiếng là "cứng cỏi, bạo nói, không sợ quyền thế" (trích Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi).
Dưới thời Vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433), Lê Sát là một đại thần có công lớn từ khi giúp Lê Lợi dấy nghiệp, nhưng do là võ quan ít học nên tỏ ra lộng quyền, xử trí oan sai nhiều vị quan. Sang thời Lê Thái Tông (1434 - 1442), những năm đầu, khi vua còn nhỏ, Lê Sát lợi dụng uy quyền của một công thần, làm nhiều điều ngang trái, thao túng triều đình, giết hại nhiều vị quan tài giỏi. Vì lên tiếng chỉ trích gay gắt sự chuyên quyền của Lê Sát, Bùi Cầm Hổ bị điều đi làm An phủ sứ Lạng Sơn.
Đến khi Lê Thái Tông lớn, thấy được sự nguy hại của Lê Sát, đã cùng các quan “chế ngự” và bãi chức tước Tể tướng vào giữa năm Đinh Tỵ (năm 1437), xử tử hơn một tháng sau đó. Bùi Cầm Hổ khi được phục chức đã tâu lên vua, cho rằng Lê Sát tội đáng phải chết, song vẫn là công thần lập quốc nên cho tự tử ở nhà tránh tiếng chê cười cho đời sau. Nhà vua sau đó chấp thuận, khen ông là người trọng nghĩa, cương trực.
Bùi Cầm Hổ cũng có nhiều công lao trong hoạt động ngoại giao qua 2 lần sang sứ nhà Minh và những năm trấn thủ ở Lạng Sơn. Năm Mậu Ngọ (1438) ông sung chức Phó sứ, thay mặt quốc gia sang nhà Minh bàn chuyện biên giới phía Bắc…
Lễ báo ân Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ hằng năm được tổ chức quy mô, bài bản và linh thiêng với sự góp mặt của đông đảo con cháu họ Bùi từ khắp nơi trong cả nước. (Ảnh: tư liệu)
Năm 1459, khi 70 tuổi, Bùi Cầm Hổ xin nghỉ việc triều đình, về quê phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh ngày nay) sinh sống. Ông thấy ngay nguyên nhân đói kém của dân trong Kẻ Treo (tên Nôm), là do thiếu nước làm ruộng, liền cất công đi tìm cách khơi nguồn nước. Ông chỉ đạo dân làng đắp một bờ đá chắn dòng Thác Bạc và đào một khe sâu dẫn nước theo dọc suốt cánh đồng. Nhờ đó trên một nghìn khoanh ruộng của cả một vùng rộng lớn đã có nước, đồng ruộng lúa khoai tươi tốt, dân làng khai khẩn thêm được đất hoang. Đời sống Nhân dân trong vùng ngày thêm no đủ vì được mùa liên tiếp.
Bùi Cầm Hổ mất lúc 93 tuổi, Nhân dân đã lập đền thờ ông ở dưới chân núi Bạch Tỵ, gọi là đền quan Đô đài. Triều đình phong ông là Thượng đẳng phúc thần. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng, Nhân dân Đậu Liêu và các vùng xung quanh, cùng với con cháu hậu duệ họ Bùi ở các miền về tế lễ ở Điện Đô đài, làm lễ báo ân tưởng nhớ công ơn của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Năm 1992, đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Năm 1992, đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Ông Bùi Văn Thạc (tộc trưởng họ Bùi Hà Tĩnh) cho biết: “Con cháu của dòng họ Bùi ở Đậu Liêu nói riêng và Hà Tĩnh nói chung đều hết sức tự hào khi có một vị thủy tổ đóng góp nhiều công trạng cho đất nước. Từ đó chúng tôi luôn nhắc nhở phải tự mình rèn dũa, tu dưỡng đạo đức, hăng say lao động, có trách nhiệm xây dựng dòng họ, xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển”.
Đền thờ Đô đài Bùi Cầm Hổ hiện còn lưu giữ nguyên vẹn những di vật như: áo, mũ, cân đai phẩm phục lúc sinh thời ông sử dụng, cùng các đạo sắc phong của các triều vua. Trong đó, có sắc vua Minh Mệnh ngày 21/8/1824 đề: “Gia tằng Phổ Trạch chi thần”, “Chuẩn cho xã Đậu Liêu - huyện Thiên Lộc thờ phụng như cũ để thần giúp đỡ che chở cho dân”.
Ông Đặng Quang Vinh - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TX Hồng Lĩnh cho biết: “Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi đền và công trạng của Đô đài Bùi Cầm Hổ tại phường Đậu Liêu vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là việc lưu giữ các di sản mà ông đã để lại. Hằng năm, cùng với con cháu trong dòng họ thì chính quyền địa phương cũng thường xuyên huy động các nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo, phục dựng và sưu tầm các hiện vật. Đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa qua các lễ báo ân và số hóa 100% các sắc phong để lưu giữ muôn đời cho con cháu mai sau”.