Đề xuất mới về tốc độ thiết kế đường bộ, tốc độ tối đa trên cao tốc

Bộ Giao thông vận tải đã có đề xuất mới quy định về tốc độ thiết kế của đường bộ và quy định tốc độ tối đa của xe trên các loại cao tốc.

cao toc.jpeg

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về quận Hoàng Mai (Hà Nội) - Ảnh: DANH KHANG

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Dự thảo sau khi có hiệu lực sẽ thay thế thông tư 31/2019 của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, về cơ bản, nội dung và bố cục của dự thảo thông tư không thay đổi nhiều so với thông tư số 31/2019 của Bộ Giao thông vận tải.

Dự thảo cập nhật căn cứ ban hành, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp quy định mới tại 2 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Đồng thời bổ sung thêm một số nội dung nhằm thực hiện quy định về tốc độ thiết kế của đường bộ.

Tốc độ thiết kế của đường bộ

Theo dự thảo, tốc độ thiết kế đường ô tô cao tốc được phân làm 3 cấp như sau:

Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120km/h.

Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100km/h.

Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60km/h.

Dự thảo nêu rõ, trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng đoạn này phải dài từ 15km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20km/h.

Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 2km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.

Cũng theo dự thảo, tốc độ thiết kế đường ô tô (không phải là đường ô tô cao tốc) được xác định theo cấp đường thiết kế và phụ thuộc vào loại địa hình như sau:

cao toc.png

Dự kiến địa hình, tốc độ thiết kế đường ô tô theo dự thảo - Ảnh chụp từ dự thảo

Về tốc độ thiết kế đường đô thị, đường giao thông nông thôn, dự thảo nêu rõ tốc độ thiết kế đường ô tô trong phạm vi đô thị được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình giao thông được cấp thẩm quyền ban hành.

Đối với tốc độ thiết kế đường giao thông nông thôn được xác định theo tiêu chí về giao thông nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bổ sung quy định tốc độ tối đa cho phép của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên cao tốc

Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung thêm một số nội dung trong quy định về tốc độ tối đa cho phép của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc.

Cụ thể, tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 120km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/h.

Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 100km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 100km/h.

Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 80km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 80km/h.

Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 60km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h.

Đối với đường cao tốc khai thác trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng, tùy theo quy mô phân kỳ để xác định, nhưng tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 90km/h.

Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe.

Đồng thời phải tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và quy định về "sử dụng làn đường", "vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt" theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.