Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) từ ngày 1/7 với mức dao động 12,5-20,8% tùy từng nhóm.

Trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương hưu cho ba nhóm với các mức riêng.

Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7

Các cụ già Hà Nội thể dục bên Hồ Gươm, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Mức điều chỉnh chung 12,5% áp dụng với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Mức này được tính toán trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Lần gần nhất Chính phủ tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng là ngày 1/1/2022.

Với lao động hưởng lương nhà nước mà nghỉ hưu từ ngày 1/1/2022 đến trước 1/7/2023, mức tăng đề xuất là 20,8% trên mức lương hưu của tháng 6/2023. Lý do là năm 2022, lương hưu và trợ cấp tăng thêm 7,4%, song lương cơ sở không tăng nên nhóm này sẽ chịu thiệt thòi, hưởng thấp hơn những người nghỉ trước thời điểm trên.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 có mức thấp được đề xuất điều chỉnh bù thêm để đạt 3 triệu đồng một tháng. Cụ thể, người hưởng thấp hơn 2,7 triệu đồng thì tăng thêm 300.000 đồng mỗi tháng; mức hưởng dao động 2,7 đến dưới 3 triệu thì tăng cho đủ 3 triệu đồng.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải, lấy 3 triệu đồng làm mốc điều chỉnh căn cứ vào mức tăng lương cơ sở 20,8% từ ngày 1/7 (từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng). Phần lớn lao động về hưu trước năm 1995 thuộc nhóm nghỉ việc theo chế độ mất sức, thời gian làm việc ngắn, tiền lương thấp nên lương hưu cũng thấp, khoảng 1,44 triệu đồng một tháng. Cơ quan này tính toán, khoảng 230.000 người đang hưởng lương hưu dưới 3 triệu đồng được ngân sách hỗ trợ, tổng kinh phí tăng thêm 330 tỷ đồng mỗi năm.

Kinh phí cho tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Hồi tháng 11/2022, Quốc hội đồng ý điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng một tháng từ ngày 1/7/2023, tức tăng 20,8%. Cùng đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người nghỉ hưu trước năm 1995 cũng tăng 12,5%.

Năm 2022, cả nước có 4,94 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030. Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.

Theo Hồng Chiêu/VNE

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.