Xóm đạo Yên Hội nằm nép mình ven sông Ngàn Sâu, được bao quanh bởi núi đồi trùng điệp đang khởi sắc, bình yên; đời sống nhân dân ngày càng no đủ, hạnh phúc
Cũng như bao chủ nhân khác của vùng quê Yên Hội, cách đây chưa lâu, ông Phan Văn Hải không dám nghĩ đến điều kỳ diệu sẽ đến trên quê hương mình. Bởi đây là vùng quê xa xôi, có địa hình rất phức tạp và mỗi khi nhắc đến thì người ta thường nghĩ ngay đến một thôn vùng giáo, nghèo nhất xã, không có nhà văn hóa, đường giao thông lầy lội. Cùng đó, ý thức của người dân còn hạn chế, sinh kế chỉ dựa vào chài lưới ven sông nên chỉ mong sao làm cho đủ ăn đủ mặc, chứ chưa nghĩ đến việc làm đẹp, làm giàu.
Nhưng giờ thì ông Hải đã phấn khởi: “Kể từ khi xã nhà triển khai thực hiện chương trình NTM, người dân được tuyên truyền, vận động và đưa vào cuộc thì thôn xóm chúng tôi đã có sự thay đổi rõ nét nên đi đâu cũng muốn về. Ngoài nhà văn hóa khang trang thì đường sá đã được đổ bê tông rộng thênh thang, ban đêm có điện chiếu sáng. Người dân trên làng dưới xóm bám ruộng, bám đồi, hăng say lao động sản xuất để có của ăn, của để. Bà con cũng đã ý thức hơn trong xây dựng khu dân cư, dọn dẹp vệ sinh môi trường, bảo vệ ANTT”.
Quê hương đổi thay, vườn đồi sai quả, đời sống đi lên nên anh Trần Đình Liệu cùng bà con giáo dân ở thôn Yên Hội rất phấn khởi và ngày càng có ý thức vươn lên....
Anh Trần Đình Liệu chia sẻ: “Trước đây, tôi quanh năm vất vả làm trang trại, ruộng vườn nhưng cảnh túng thiếu vẫn đeo bám vì tư tưởng lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, phải bán nhỏ lẻ, không được khuyến kích làm giàu. Thực hiện xây dựng NTM, tôi được tập huấn kỹ thuật, được tạo điều kiện vay vốn, được khuyến khích phát triển sản xuất, có đường sá thuận lợi, sản phẩm đã được đưa ra khỏi địa bàn nên gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng”.
Mô hình chăn nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Hà mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng...
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, 100% hộ dân trong thôn Yên Hội đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình, cùng chung sức, đồng lòng vào cuộc.
Qua đó, tất cả các hộ dân đều hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, và hàng trăm triệu đồng tiền mặt để làm đường bê tông rộng 5m khép kín toàn thôn, làm đường điện thắp sáng các tuyến đường, xây dựng nhà văn hóa thôn, mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Ngoài ra, các hộ đã tự ý thức xây dựng hàng rào, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và làm bồn hoa, trồng cây cảnh dọc theo trục đường trung tâm để tạo thân thiện, gần gũi của làng quê.
Ngoài hệ thống đường giao thông, được phủ kín, cứng hóa thì hội quan thôn cùng các công trình phúc lợi khác ở Yên Hội cũng đã được xây dựng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"...
Trưởng thôn Nguyễn Hoài Sơn thông tin thêm: “Ngoài xây dựng xóm làng, người dân Yên Hội cũng rất chăm lo phát triển kinh tế, nhất là trồng cây ăn quả có múi và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện các hộ trong thôn đều trồng từ 1/2 - 2ha cam, bưởi kết hợp với chăn nuôi gà, lợn, ong lấy mật. Ngoài ruộng đồng thì từ vườn đồi đã có 7 hộ có mức thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm, các hộ còn lại cũng thu trên 70 triệu đồng/năm. Hiện, thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn duy nhất 1 hộ cận nghèo, đời sống của bà con ngày càng khấm khá, ANTT luôn đảm bảo, không có tệ nạn xã hội, tình làng nghĩa xóm luôn được thắt chặt, các tiêu chí của khu dân cư kiểu mẫu đã hoàn thành...”