Núi Hồng - sông La. Ảnh: Đậu Hà
Hà Tĩnh - miền đất đầy nắng gió với bao khó khăn do thiên tai khắc nghiệt kèm theo giặc giã hoành hành từ xưa đã nổi tiếng với những con người gan dạ, kiên trung, bất khuất mà sâu nặng nghĩa tình. Chính những đặc điểm đó đã tạo nên gia tài di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu cho quê hương núi Hồng, sông La.
Trải qua một thời kỳ dài bị lãng quên, thời gian gần đây, các giá trị đó đã được khơi dậy để bảo tồn, phát huy mạnh mẽ. Ghi dấu trong nhiệm kỳ 2015-2020 là sự kiện Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ lần lượt được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới.
Dòng họ Nguyễn Huy và Nhân dân xã Trường Lộc tổ chức rước bằng công nhận Hoàng Hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (16/10/2018). Ảnh tư liệu
Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh (về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo - PV), thời gian qua, ngành đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể.
Theo đó, phát huy hiệu quả chính sách của tỉnh và phát huy sức mạnh Nhân dân trong thực hiện chương trình hành động về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đầu tư nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử, nhất là những di tích đã bị xuống cấp”.
Duy trì sinh hoạt hát dân ca là cách mà các CLB dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: Huy Tùng
Trong hành trình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, vai trò của Nhân dân rất quan trọng. Thay vì thụ động, người dân đã tích cực, chủ động tham gia, thậm chí đóng vai trò chính trong việc hoàn thành hồ sơ, tìm kiếm cơ hội để các di sản đến với tổ chức UNESCO.
Tiêu biểu trong đó là Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy (nơi khai sinh và gìn giữ Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ). Vai trò của Nhân dân còn thể hiện trong việc chủ động, tình nguyện tham gia thành lập các CLB dân ca ví, giặm; tham gia các hội thi, hội diễn về ca trù và dân ca ví, giặm trong phạm vi toàn tỉnh liên tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An và toàn quốc; tích cực huy động nguồn lực, đóng góp trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa…
Hà Tĩnh chú trọng tổ chức các hội thi, hội diễn góp phần bảo vệ giá trị di sản ca trù.
Với những chủ trương, chính sách của tỉnh, sự tham gia của người dân, trong nhiệm kỳ 2015-2020, ngành văn hóa đã thành lập thêm gần 100 CLB dân ca ví, giặm, nâng tổng số lên 124 CLB trên toàn tỉnh; xếp hạng được 142 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tham mưu Bộ VH-TT&DL xếp hạng 8 di tích cấp quốc gia; trùng tu, tôn tạo 252 di tích. Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp tổ chức 5 cuộc khai quật khảo cổ học, sưu tầm, bổ sung được hơn 1.000 hiện vật, tổ chức gần 20 cuộc trưng bày, triển lãm tại các địa phương.
Ông Bùi Xuân Thập nhấn mạnh: “Kết quả đó không chỉ mở ra nhiều cơ hội để tỉnh xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh con người Hà Tĩnh mới vừa hiện đại, năng động, linh hoạt trong xây dựng kinh tế, vừa có trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời cùng tỉnh nhà hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong chặng đường tiếp theo”.