Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh đang ở mức trên 405.000 con, hơn 230.000 con trâu, bò và gần 10 triệu gia cầm. Đặc biệt, theo đánh giá tổng quan của ngành chuyên môn, tốc độ tái đàn, tăng đàn lợn sau “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi (DTCLP) vào năm 2019 của Hà Tĩnh liên tục tăng trong vòng 1 năm qua (tăng hơn 65.000 con so với thời điểm đầu năm 2020).
Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn (Thạch Hà) cho biết : “Dù ảnh hưởng rất nặng nề do đợt DTLCP vào năm 2019, ám ảnh vẫn còn đó nhưng vì lợi nhuận, người dân đã đổ xô đi mua lợn giống về thả nuôi với tâm lý “liều ăn nhiều”. Trong khi, thời điểm đó, xã đã có khuyến cáo tạm thời chuyển sang hướng nuôi gà, vịt để chờ dịch ổn định hơn. Chỉ trong vòng gần 1 năm rưỡi (từ đầu năm 2020 đến nay), tổng đàn lợn đã tăng từ gần 1.500 con lên hơn 3.800 con”.
Tốc độ tái đàn lợn sau “cơn bão” DTCLP vào hồi năm 2019 của Hà Tĩnh liên tục tăng trong vòng 1 năm qua, tăng hơn 65.000 con so với thời điểm đầu năm 2020 (ảnh 1, 2). Tại khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, lợn giống vẫn chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán nhỏ lẻ hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc, không được tiêm phòng đầy đủ (ảnh 3).
Đi kèm với việc tái đàn nhanh là các điều kiện nuôi không đảm bảo an toàn sinh học. Theo đó, chuồng trại san sát nhau, mầm bệnh của đợt dịch 2019 vẫn tồn tại trong môi trường vì chưa xử lý triệt để. Lợn giống vẫn chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán nhỏ lẻ hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc, không được tiêm phòng đầy đủ. Bà con chủ yếu cho ăn bằng các loại thức ăn theo thói quen, thậm chí là cả “cơm thừa, canh cặn”, nước thải xả trực tiếp ra môi trường xung quanh… Đây chính là “mồi lửa” làm đợt DTCLP mới bùng phát từ đầu tháng 3 năm nay diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và khó lường hơn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y lập biên bản xử lý đối với trường hợp anh Bùi Văn Phương (xã Thạch Thắng, Thạch Hà) tự điều trị bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò khi chưa có chứng chỉ hành nghề thú y.
Điều đáng nói, khi dịch xảy ra và lan rộng, một số bà con không báo cáo lên chính quyền mà tìm cách xoay xở, tự điều trị. Người thì tìm thầy lang, người “bắt bệnh” theo thói quen rồi sử dụng kinh nghiệm của mình để giúp vật nuôi giảm sốt, đỡ đau bụng…
Bà Lê Thị Thân (thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, Can Lộc) cho hay: “Khi thấy bò có dấu hiệu lở loét, tôi cứ nghĩ nó bị con gì cắn. Ban đầu tôi bôi dầu gió nhưng sau thấy các nốt càng nhiều, lở loét thì mới lo. Tôi nghe người ta bày đâu thì theo đó, có lúc vào tận Thạch Hà, lúc lại tìm thầy ở địa phương để lấy thuốc điều trị cho bò”.
Chị Lê Thị Giang (thôn Văn Cử, xã Xuân Lộc, Can Lộc) mất đi “đầu cơ nghiệp” vì chậm báo cáo với chính quyền, tự tìm cách điều trị, cho biết: “Ngày 28/2, con bò của gia đình xuất hiện triệu chứng ốm, bỏ ăn và sốt. Tôi đã thuê người về tiêm và mua thuốc nam từ thầy lang trong huyện về điều trị. Khi các triệu chứng không thuyên giảm thì tôi mới trình báo với cán bộ thú y xã và được xác định là bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Do bò của gia đình bị kiệt sức trong thời gian dài nên đã chết và phải đem đi tiêu hủy”.
Dù chính quyền, cơ quan chuyên môn liên tục thông tin, hướng dẫn, nhiều hộ chăn nuôi vẫn vô tư thả rông trâu, bò tại các bãi chăn thả, đồng cỏ.
Cùng với đó, bất chấp khuyến cáo, tuyên truyền của ngành chuyên môn, chính quyền, người dân vẫn giữ thói quen chăn thả rông gia súc gây áp lực lên công tác quản lý, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh tại chỗ của nhiều địa phương.
Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Tập quán chăn thả rông đã trở thành thói quen cố hữu của người dân địa phương. Ngay cả khi dịch đã lan rộng, hệ thống truyền thanh cơ sở liên tục thông tin, nhắc nhở, bà con vẫn tiếp tục đưa trâu, bò ra ngoài đồng, thả rông trên núi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm dịch bệnh tại Cẩm Xuyên diễn biến phức tạp, thuộc tốp đầu toàn tỉnh”.
Xã Việt Tiến tiến hành trục vớt xác lợn bị thả trôi trên sông Vách Nam, kết quả xét nghiệm dương tính với DTCLP (ảnh trái). Xác lợn trôi dạt theo kênh, mương nước được người dân huyện Hương Sơn trục vớt lên (ảnh phải).
Khi không thể cứu chữa, nhiều người còn không mảy may nghĩ hậu quả, thẳng tay ném xác vật nuôi xuống kênh, rạch. Chính sự thiếu hiểu biết, chủ quan về dịch bệnh đã khiến nhiều người phải nhận “quả đắng”.
“Vào ngày 22/3, khi phát hiện nhiều bao tải to chứa xác lợn trên sông Vách Nam đoạn qua địa bàn, chúng tôi đã cho trục vớt, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, mẫu xác lợn dương tính với DTLCP. Ngay sau đó, dịch bệnh này đã tái phát và lây lan rất nhanh trên địa bàn xã” - Chủ tịch UBND xã Việt Tiến (Thạch Hà) Nguyễn Văn Hướng cho hay.
Chưa bao giờ ngành chăn nuôi Hà Tĩnh lại lâm vào cảnh lao đao như hiện nay, “dịch chồng dịch” đã khiến chính quyền địa phương và người dân trở tay không kịp.
Khi vắc-xin viêm da nổi cục cung ứng về xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) thì cả địa phương này không… tìm được đâu ra cán bộ thú y đủ chuyên môn chịu trách nhiệm tiêm phòng, quản lý dịch bệnh. Hoàn cảnh này, bắt buộc xã đã phải báo cáo Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi (BVCTVN) huyện để… thuê 6 cán bộ thú y ở Nghệ An về tiêm phòng cho đàn trâu, bò.
Chuyện tưởng chừng như ngược đời này lại xảy ra phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh. Là cán bộ thú y nhưng không có chuyên môn hoặc chuyên môn không đáp ứng yêu cầu công việc. Thậm chí, thú y còn “tay ngang” từ chức danh kiêm nhiệm là phó chủ tịch hội LHPN xã, phó chủ tịch hội nông dân xã hay phó chủ tịch mặt trận xã…
Chị Trần Thị Liệu - Phó Chủ tịch Hội LHPN kiêm cán bộ thú y xã Mỹ Lộc (Can Lộc) cho biết: “Theo đề án tinh giản biên chế, xã không có chức danh thú y chuyên trách nên tôi được phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm. Hiện nay, tôi đang theo học lớp đào tạo chuyên môn thú y nhưng chưa hoàn thành. Thời điểm này, tôi chỉ mới có thể tư vấn, hướng dẫn cho bà con chăn nuôi thực hiện các quy trình về vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại. Còn nhận diện bệnh, tiêm phòng hay điều trị vật nuôi thì chưa thể thực hiện được”.
Thiếu hụt lực lượng thú y cơ sở đã khiến việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong đó có tiêm vắc – xin viêm da nổi cục gặp không ít khó khăn.
Cũng giống xã Lâm Trung Thủy, xã Mỹ Lộc phải thuê 3 cán bộ thú y với mức giá 300.000 đồng/người/ngày để tiêm phòng vắc-xin. Nếu có trường hợp nào sốc thuốc thì cũng đành phải chờ… người ta quay trở lại xử lý!
Năm 2012, thực hiện Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/ 2011 của HĐND tỉnh về “Phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức hội”, các trạm thú y (trước thuộc Chi cục Chăn nuôi & Thú y) được sáp nhập về cấp huyện, thuộc Trung tâm Ứng dụng KHKT & BVCTVN các huyện, thị, thành phố. Từ đó, các chức danh đều chịu sự phân bổ của cấp huyện.
Chính quyền cấp xã phải huy động cả dân quân tự vệ, hội nông dân, đoàn thanh niên để tham gia các đội phản ứng nhanh, đội tiêu huỷ, đội phun tiêu độc khử trùng… nhằm kịp thời khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, do yếu tố khách quan về quy định lĩnh vực hoạt động, nhiều địa phương không cân đối và bố trí đúng vị trí việc làm đối với chức danh thú y cơ sở. Trong khi đó, hệ thống trạm thú y tại địa phương không được tổ chức thống nhất (nơi thì thành lập trạm, nơi lại là tổ trực thuộc Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện, thị xã, thành phố), không phù hợp với quy định của Luật Thú y đã gây ra một số khó khăn trong việc thực hiện các chức năng của ngành.
Qua công tác kiểm tra của ngành chuyên môn, một số địa phương chưa đảm bảo được việc cách ly, quản lý, chăm sóc chữa trị gia súc mắc bệnh (1). Huyện Can Lộc huy động lực lượng tổ chức phun tiêu độc khử trùng, tiêu diệt trung gian truyền bệnh như ve, mòng, ruồi, muỗi… (2). Đức Thọ tổ chức tiêm phòng bao vây khống chế dịch viêm da nổi cục trên trâu bò (3). Huyện Thạch Hà tập trung các giải pháp phòng chống DTCLP và dịch viêm da nổi cục trên trâu bò (4).
Vào năm 2020, cuộc rà soát toàn diện hệ thống cán bộ thú y của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho thấy, toàn tỉnh có đến 2/3 số xã, phường, thị trấn không bố trí nhân viên thú y có trình độ, bằng cấp chuyên môn. Phần lớn chức danh thú y tại các xã, phường, thị trấn đều kiêm nhiệm. Và, chỉ có 88/215 người có trình độ chuyên môn đạt yêu cầu; 127 người không có trình độ chuyên môn hoăc chuyên môn không đạt yêu cầu; 1 xã không bố trí chức danh thú y.
Có gần 50% cán bộ hợp đồng trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại Hà Tĩnh không được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Việc tinh giản một số nhân viên thú y cũng dẫn đến không đủ nguồn nhân lực thực hiện việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung. Có gần 50% cán bộ hợp đồng trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ không được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Đây là lý do không thể “níu chân” họ với nghề và những “lỗ hổng” trong công tác kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và quản lý công tác an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tiếp diễn.
Khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, người dân rất khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của mình.
Cùng với đó, qua công tác kiểm tra của ngành chuyên môn, một số địa phương chưa cách ly, quản lý, chăm sóc, chữa trị gia súc mắc bệnh đúng quy định, tiến độ tiêm phòng bao vây ổ dịch chậm, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên xuất hiện loại dịch trên trâu, bò mà tốc độ lây lan nhanh, gây chết hàng loạt trong khi phác đồ điều trị cụ thể, “chuẩn chỉ” chưa có, khiến không ít địa phương hoang mang, lúng túng.
thiết kế: huy tùng