Cuộc điều tra giữa kỳ năm nay tiến hành trên cả nước, trừ bốn huyện đảo Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Trường Sa (Khánh Hòa).
Đơn vị điều tra là hộ dân cư. Hộ gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ở chung, ăn chung. Với hộ từ hai người trở lên, thành viên có thể có hoặc không phải ruột thịt, quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng; có hoặc không có quỹ thu chi chung.
Các điều tra viên dân số sẽ thu thập thông tin về nhà ở của hộ; nhân khẩu thực tế thường trú, không loại trừ người thuộc lực lượng vũ trang, người có quốc tịch nước ngoài đang ăn ở tại hộ, nhưng không gồm người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội, công an.
Thông tin thu thập gồm nhân khẩu học của các thành viên, quá trình di cư, giáo dục, hôn nhân, lịch sử sinh của nữ giới từ 10 đến 49 tuổi, người chết, nhà ở và điều kiện sống. Điều tra viên đến từng nhà hỏi trực tiếp, ghi thông tin câu trả lời vào phiếu điện tử. Số liệu này chỉ phục vụ thống kê, không liên quan thường trú, tạm trú, thu thuế và không được dùng vào mục đích khác.
Kết quả điều tra giữa kỳ công bố vào tháng 12/2024, báo cáo phân tích chuyên đề ban hành năm 2025. Kết quả này là cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, hoạch định chính sách những năm 2026-2030, cũng như giám sát các mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam cam kết.
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ được thực hiện giữa hai kỳ tổng điều tra vào các năm có số tận cùng là 4. Lần gần nhất Việt Nam tổng điều tra dân số và nhà ở vào năm 2019.
Hết năm 2023, Việt Nam đạt 100,3 triệu người với tỷ lệ dân số thành thị trên 38% và nông thôn gần 62%. Tuổi thọ trung bình người Việt hiện đạt 73,7, tăng nhẹ so với năm 2022.
Tổng cục Thống kê dự báo dân số Việt Nam tăng lên 107 triệu vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu vào năm 2100. Việt Nam đang chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang sinh muộn, từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số.