Từ đầu năm lại nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mong muốn giảm mặt bằng lãi suất huy động, tiến đến hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ở Hà Tĩnh vẫn đang gặp khó khi lãi suất ngân hàng dù có “hạ nhiệt” song vẫn ở mức cao.
Từ đầu năm lại nay, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh lỗ 18 tỷ đồng.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (Cụm công nghiệp Nam Hồng – TX Hồng Lĩnh) chuyên xuất khẩu sợi đi thị trường Nhật Bản. Từ đầu năm lại nay, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đầu ra của mặt hàng sợi bị thu hẹp, trong khi giá nguyên liệu đầu vào lại tăng cao.
Ông Phạm Anh Tuấn – Kế toán trưởng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho hay: “Một khó khăn hiện nay là lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại vẫn đang cao. Đặc biệt, đơn vị chủ yếu vay USD nên càng ảnh hưởng. Đầu năm 2023, chúng tôi vay USD với lãi suất 4%/năm nhưng hiện nay lãi suất đã tăng lên trên 5%/năm. Ngoài ra, khi vay VND phục vụ sản xuất – kinh doanh (vay ngắn hạn 5 – 6 tháng), lãi suất dù đã có phần “hạ nhiệt” song chưa đáng kể. Cụ thể, đơn vị hiện đang vay ngắn hạn tại Vietcombank Hà Tĩnh với lãi suất 6,8%/năm, còn vay tại khối ngân hàng thương mại cổ phần từ 7,7 – 7,8%/năm. Riêng các gói vay đầu tư (trung và dài hạn) thì lãi suất vẫn đang “neo” ở mức 11%/năm”.
“Chi phí sản xuất tăng trong khi giá thành sản phẩm không tăng và hàng tồn kho lớn nên từ đầu năm lại nay Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh lỗ 18 tỷ đồng. Thị trường sợi vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Chúng tôi mong muốn ngành Ngân hàng có các giải pháp kịp thời để tiếp tục cấp vốn, giảm lãi suất cho vay, giảm một phần gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, chế độ cho lượng lao động lớn trên địa bàn” – ông Phạm Anh Tuấn kiến nghị.
Những tháng đầu năm, thị trường sản phẩm gạch không nung của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) phải chịu cạnh tranh khá gay gắt với gạch nung truyền thống. Ngoài ra, sản phẩm gạch không nung Trần Châu được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến của Hàn Quốc nên “khó đua” về giá thành so với các cơ sở sản xuất thủ công. Bởi vậy, việc phát triển thị trường của doanh nghiệp gặp khó trong khi giá nhập nguyên liệu sản xuất những tháng đầu năm tăng tới 5%; giá xăng dầu, giá điện cũng tăng...
Dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu.
Chị Trần Thị Thanh – Kế toán trưởng Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu cho biết: “Chúng tôi thường xuyên giao dịch tại Vietcombak, BIDV. Dù lãi suất ngân hàng hiện có hạ song vẫn chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, lãi suất cho vay phục vụ sản xuất – kinh doanh ngắn hạn (3 tháng) áp dụng tại đơn vị vẫn cao hơn 1,5%/năm so với cùng kỳ năm 2022 nên phát sinh thêm chi phí, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động".
“Từ đầu năm lại nay, NHNN Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động vốn đã giảm khá mạnh. Chúng tôi mong muốn các ngân hàng thương mại sẽ có động thái giảm lãi suất cho vay với mức giảm tương xứng hơn nhằm đồng hành, “gỡ khó” cùng doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ” – chị Trần Thị Thanh đề nghị.
Với khu vực kinh tế tập thể, các hợp tác xã (HTX) có tiềm lực kinh tế hạn chế hơn. Do vậy, trong bối cảnh phải tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất khá cao lại càng tăng gánh nặng.
Bà Lê Thị Loan – Giám đốc HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan (xã Thạch Châu, Lộc Hà) ái ngại: “Đầu năm nay, hơn 300 tấn ngao thương phẩm của chúng tôi bị chết, thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Hiện nay, khu vực sản xuất đã ổn định, ngao phát triển tốt song thị trường tiêu thụ rất khó khăn. Chúng tôi đang vay 4 tỷ đồng từ Agribank và ACB để đầu tư. Hiện nay, lãi suất đã giảm song vẫn còn khá cao (khoảng 8 – 9%/năm). Chúng tôi mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ HTX đầu tư sản xuất ”.
HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan hiện khó tiêu thụ ngao thương phẩm.
Theo ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Cộng đồng doanh nghiệp, HTX Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu như: chi phí sản xuất tăng cao, thị trường bị thu hẹp, giảm đơn hàng, tồn kho, thiếu vốn... Đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện tiếp vốn, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay để các doanh nghiệp, HTX có nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, sớm hoàn thành kế hoạch năm 2023.
Chặng đường nửa cuối năm không còn nhiều. Đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động thích ứng linh hoạt, đổi mới, sáng tạo; xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với phát triển thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp... để dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng hơn.
Tính đến đầu tháng 6/2023, lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,7-4,5%/năm, trung và dài hạn phổ biến mức 6-6,1%/năm.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN Việt Nam, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần. Tính đến đầu tháng 6/2023, lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn phổ biến từ 4,5 - 10,1%/năm, trung và dài hạn phổ biến từ 10 - 13,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,7-4,5%/năm, trung và dài hạn phổ biến mức 6 - 6,1%/năm. |