Đồng hành cùng người yếu thế

(Baohatinh.vn) - Ngân hàng Chính sách huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ học sinh, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp và các đối tượng mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng.

2.jpg
Gia đình chị Trần Thị Liên, thôn Hữu Chế, xã An Dũng được NHCSXH huyện Đức Thọ cho vay 350 triệu đồng để nuôi 3 con học đại học.

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đức Thọ đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập ở giảng đường đại học, tìm cho mình tương lai tốt đẹp hơn.

Ông Trần Toại Nguyện - Giám đốc NHCSXH huyện Đức Thọ cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng, việc học tập và khởi nghiệp là những bước quan trọng trong việc phát triển cá nhân và đóng góp cho cộng đồng. Chính vì thế, chúng tôi đã triển khai các gói vay học sinh, sinh viên với lãi suất thấp và nhiều chương trình hỗ trợ khác".

Gia đình chị Trần Thị Liên (SN 1970 ), thôn Hữu Chế, xã An Dũng có 4 người con, trong đó 3 con theo học đại học. Cả 3 đều học đại học y khoa, nên chi phí đầu tư cho con ăn học rất vất vả, bởi hoàn cảnh khó khăn, thu nhập hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên mà 3 người con của chị không phải bỏ dở con đường tìm kiếm tương lai trên giảng đường đại học.

7.jpg
Nhờ có nguồn vốn vay của NHCSXH, cặp vợ chồng trẻ đã mạnh dạn đầu tư làm trang trại chăn nuôi tổng hợp

Chị Liên cho biết: "Trong các năm 2011, 2017, 2018, lần lượt 3 đứa con của tôi thi đậu vào đại học. Đến nay, 2 cháu đã tốt nghiệp các trường y khoa TP Hồ Chí Minh, y khoa Vinh (Nghệ An), đã ra trường làm việc; giờ còn 1 cô con gái đang học Trường Đại học Y khoa Vinh. May nhờ NHCSXH huyện Đức Thọ cho vay vốn nên các con tôi không bị dang dở việc học tập."

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ học sinh, NHCSXH huyện Đức Thọ còn đặc biệt chú trọng đến việc khuyến khích và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Ông Trần Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ tín dụng NHCSXH huyện Đức Thọ cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng các chương trình vay vốn cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên với mức lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ linh hoạt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn để giúp các bạn trẻ có kiến thức và kỹ năng cần thiết trong phát huy nguồn vốn một cách hiệu quả nhất”.

4.jpg
Trang trại của vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Mai và Đào Hoàng Anh thả nuôi 20 con lợn thịt, 1.000 con vịt và hàng trăm con gà từ nguồn vốn vay của NHCSXH.

Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1993) ở thôn Hữu Chế, xã An Dũng cho biết: "2 vợ chồng tôi lấy nhau với bàn tay trắng, nhờ khoản vay giải quyết việc làm và nguồn khác từ NHCSXH 180 triệu đồng mà giờ đây, gia đình tôi đã xây dựng được mô hình chăn nuôi tổng hợp với 1.000 con vịt đẻ và vịt thịt, 5 ao cá, 20 con lợn và hàng trăm con gà".

Một phần quan trọng trong công tác của NHCSXH huyện Đức Thọ là giúp đỡ các đối tượng vừa ra tù tái hòa nhập cộng đồng. Từ khi có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, toàn huyện Đức Thọ đã có 11 trường hợp được tiếp cận chính sách này.

5.jpg
Anh Trần Quốc Văn được NHCSXH huyện Đức Thọ cho vay 100 triệu đồng tiền vốn để về làm ăn phát triển kinh tế.

Anh Trần Quốc Văn (SN 1986), thôn Thọ Ninh, xã Liên Minh cho biết: “Năm 2022 sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội sản xuất pháo, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tìm kiếm việc làm. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ số vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH, tôi đã cải tạo ao, xây dựng được mô hình nuôi ốc bươu đen. Tôi rất biết ơn vì cơ hội này đã giúp tôi có thể làm lại cuộc đời và phát triển kinh tế gia đình. Hiện, tôi có 11 hồ nuôi ốc với diện tích rộng 2,3 ha để thả 30 vạn ốc bươu giống, đã thu hoạch được 1 tấn thu về 70 triệu đồng. Từ nay đến trước mùa mưa lũ năm nay, tôi sẽ thu được khoảng 10 tấn, doanh thu về 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi cũng thả nuôi 100 cặp chim bồ câu bố mẹ, hiện đang phát triển rất tốt, cho thu nhập quanh năm”.

Những nỗ lực của NHCSXH huyện Đức Thọ đã và đang mang lại những tác động tích cực đối với học sinh sinh viên, thanh niên khởi nghiệp và các đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Bằng việc cung cấp vốn vay ưu đãi và tư vấn hỗ trợ, ngân hàng không chỉ giúp những đối tượng này vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững mà còn tạo cơ hội để họ phát triển và đóng góp cho cộng đồng. Những câu chuyện thành công từ các cá nhân được hỗ trợ là minh chứng rõ ràng cho sự hiệu quả và ý nghĩa của các chương trình này.

NHCSXH huyện Đức Thọ đang tiếp tục phát huy vai trò của mình, khẳng định rằng sự đồng hành và hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống; từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững và đoàn kết.

NHCSXH huyện Đức Thọ đã và đang thực hiện có hiệu quả 16 chương trình tín dụng. Toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn có điểm giao dịch, ủy thác qua 4 tổ chức hội cấp huyện, 48 tổ chức hội cấp xã, 211 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến 31/7/2024, dư nợ toàn chi nhánh đạt 504,99 tỷ đồng, tăng 22,31 tỷ đồng so với đầu năm. Chi nhánh còn 6.625 khách hàng hiện còn dư nợ. Doanh số thu nợ lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 89,2 tỷ đồng, tăng 37,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ đề Vì người nghèo

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.