Nhiều nguồn vốn tăng mạnh
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2018 ước đạt 34.035 tỷ đồng/36.000 tỷ đồng theo kế hoạch đặt ra. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 chậm tiến độ so với dự kiến là nguyên nhân được Sở KH&ĐT phân tích cho sự “lỡ nhịp” của chỉ tiêu này.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15B đoạn từ Ngã ba Đồng Lộc đến Quốc lộ 1 sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng
Tuy vậy, theo Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh: “Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng nguồn vốn ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn huy động từ dân cư đều tăng mạnh so với kế hoạch đầu năm. Đây là tín hiệu tích cực cho đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như khẳng định sự thành công trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế của tỉnh, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và huy động vốn đầu tư khối tư nhân...”
Phân tích sâu về cơ cấu đầu tư toàn xã hội, năm 2018 có sự chuyển biến tích cực và ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước ước đạt 6.402 tỷ đồng, chiếm 18,82%; khu vực ngoài nhà nước ước đạt 11.839,49 tỷ đồng, chiếm 34,78% tổng nguồn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 15.794 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng nguồn.
Các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt và hiệu quả công tác cải cách hành chính kết hợp với đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được xem là những “chất xúc tác” tạo nên con số tổng vốn đầu tư hơn 34 nghìn tỷ của Hà Tĩnh trong năm 2018.
Tiến độ giải ngân vốn được cải thiện
Theo thông tin từ Sở KH&ĐT, nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và FDI có giá trị thực hiện và giải ngân vượt kế hoạch năm. Theo đó, vốn ngoài nhà nước có giá trị thực hiện và giải ngân cả năm ước đạt 11.839,49 tỷ đồng, tăng 5% so năm 2017. Theo đánh giá, đây là con số “biết nói”, khẳng định ưu thế, hiệu quả của công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là thu hút nguồn lực từ dân cư cũng như khẳng định tinh thần phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngàn Trươi - Cẩm Trang là dự án đầu tư công lớn trên địa bàn Hà Tĩnh
Đặc biệt, giá trị thực hiện và giải ngân nguồn vốn FDI cả năm ước đạt 15.794 tỷ đồng, vượt gần 9% so kế hoạch năm. “Nhìn chung, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển và thực hiện đúng đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo hình ảnh tích cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Hà Tĩnh. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đây là tín hiệu tích cực, đáng mừng” – Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh đánh giá.
Tuy vậy, dù có tỷ lệ giải ngân đạt 61% - cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (53,91%), nhưng vốn từ khu vực nhà nước vẫn còn nhiều “trở ngại” đáng bàn. Đặc biệt, các dự án ODA giải ngân đến nay chỉ đạt 61% kế hoạch vốn giao.
Theo phân tích, nguyên nhân do dự án khởi công mới chưa thành lập được ban quản lý; dự án sửa chữa và nâng cao an toàn các hồ đập trên địa bàn (do WB8 tài trợ) phải xin ý kiến nhiều cơ quan bộ ngành, nhà tài trợ dẫn đến chậm trễ trong phê duyệt tiểu dự án (mới được phê duyệt trong tháng 11/2018).
Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn ODA còn phải hoàn thiện thêm các hồ sơ thủ theo các cam kết với nhà tài trợ dẫn đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân mất rất nhiều thời gian, công đoạn.
Sử dụng vốn đầu tư hợp lý tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho Hà Tĩnh
Nhìn lại bức tranh vốn đầu tư toàn xã hội của Hà Tĩnh 2018 có thể thấy rằng, công tác phân bổ vốn cho các dự án được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, theo thứ tự ưu tiên; quá trình phân bổ vốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị. Nhờ đó, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn vốn.
Tiếp nối cách làm hiệu quả này, Hà Tĩnh dự kiến thực hiện tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt gần 38.800 tỷ đồng trong 2019.