Đừng để đồng phục gây phiền hà cho phụ huynh đầu năm học mới

Với học sinh, đồng phục là trang phục mang nét đẹp học trò, thể hiện tác phong văn hóa của học sinh. Đồng phục còn nhằm giúp học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hóa.

Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về việc mặc đồng phục của học sinh “phải bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường”.

Đồng phục phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường.

Tuy nhiên, ở một số địa phương và nhà trường, việc tổ chức mặc đồng phục cho học sinh, sinh viên chưa thực hiện đúng quy định của Thông tư 26, gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là vào dịp đầu năm học mới.

Thông tư 26 quy định rõ: Phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định của Thông tư này và các quy định khác của nhà trường”.

Thế nhưng trong thực tế nhà trường đã làm thay Hội phụ huynh, nhiều trường tự đưa ra mẫu đồng phục riêng, có khi chỉ là một vài chi tiết nhỏ về màu sắc, kiểu cách trên áo nhưng phụ huynh phải đặt nhà trường mua mới đúng kiểu quy định.

Tại sao không phải là quần xanh áo trắng cho mọi học sinh, trong khi học sinh có đeo lô-gô, bảng tên? Lẽ ra, nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục học sinh. Theo đó, mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may và phải phù hợp với quy định tại Thông tư 26.

Giá cả đồng phục thì phụ huynh chỉ biết đóng góp theo thông báo của nhà trường. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT quy định: “kinh phí may, mua đồng phục phải được công khai thu, chi”.

Nếu đồng phục cả tuần, mỗi học sinh ít nhất phải mua 2 bộ đồng phục, Nếu gia đình có 2, 3 con đi học, đồng phục tiêu tốn một khoản tiền khá lớn đối với phụ huynh đầu năm học. Trong khi đó, Thông tư 26 quy định rất “mở”: “Tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương, Hiệu trưởng quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần”.

Rắc rối hơn, một số trường THPT ngoài quy định đồng phục quần xanh, áo sơ-mi trắng đối với học sinh nam, áo dài đối với học sinh nữ, còn quy định các em phải đồng phục “Áo thanh niên” 2 buổi trong tuần. Thế là phụ huynh phải sắm cho con thêm một bộ đồng phục nữa. Ngoài ra các em còn đồng phục áo khoác mùa đông, áo quần thể dục cho mỗi khối, mỗi năm các em phải mua thêm một bộ áo quần thể dục mới.

Dù cá biệt, nhưng theo báo chí phản ánh, có trường còn quy định “đồng phục” cả mũ, cặp sách, loại sách tham khảo, đồ dùng học tập... đối với học sinh Tiểu học.

Ngoài những ngày quy định mặc đồng phục, các ngày còn lại khi đến trường học sinh, sinh viên phải mặc gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tính nghiêm túc.

Tại Công văn 6100, Bộ GD&ĐT chỉ đạo: “Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường”. Ở những nơi có điều kiện và Ban đại diện Cha mẹ học sinh đề nghị thì chỉ cần quy định học sinh chỉ mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp”.

Thiết nghĩ, đồng phục có ý nghĩa nhất định, là diện mạo mang màu sắc học đường, đồng thời tạo sự nghiêm túc, hòa đồng giữa học sinh trong một môi trường giáo dục. Thế nhưng không nên cứng nhắc, máy móc trong quy định đồng phục, càng không cầu kỳ, phức tạp hóa về đồng phục. Trang phục học sinh chỉ cần gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhà trường cần tránh quy định đồng phục gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh trong dịp đầu năm học.

Theo Lê Xuân Chiến/dantri

Đọc thêm

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.
 Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Từng là nơi giao thương của người dân địa phương, nhưng hiện nay chợ Đình (xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) ngày càng hoạt động kém hiệu quả, nhiều hạng mục đã hư hỏng.