Khung cảnh nhếch nhác tại đường 19/5.
Đường 19/5 đoạn qua thôn Đông Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà), nơi gần nút giao tuyến Thạch Khê – Vũng Áng, lâu nay trở thành “địa chỉ” vứt rác của nhiều người.
Hiện, tại vị trí này đang hình thành bãi rác tự phát, chỗ để nhiều người đi đường tiện tay là vứt. Các loại rác ở đây có đủ thứ: phế phẩm trong sản xuất, túi bóng, vật liệu đựng các loại hải sản...
Các hộ dân sống cạnh đây cho biết, hầu hết rác thải do người đi chợ qua vứt xuống.
Các hộ dân sống cạnh đó rất bức xúc trước vấn nạn này. Họ trao đổi rằng, hầu hết rác ở đây là do người đi chợ tiện tay vứt, chủ yếu là dân buôn bán.
Để lâu ngày, bãi rác càng lan rộng do tác động của thời tiết.
Theo tìm hiểu, đây là nơi gần khu vực chợ Đạo nên có nhiều người qua lại. Cùng đó, nơi đây là đường hẻo lánh, có nhiều cây cối che khuất hai bên. Sau khi tuyến Xuân Hội - Thạch Khê – Vũng Áng đưa vào sử dụng, tuyến đường này chủ yếu phục vụ dân sinh và một số hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Bờ đê sông Cày đầy rẫy mảnh thủy tinh.
Tương tự như tại địa điểm ở thôn Đông Văn, đê sông Cày, khu vực giữa cánh đồng giáp cụm dân cư tổ dân phố 8, thị trấn Thạch Hà từ lâu xuất hiện một số điểm tập kết rác.
Đáng nói, nhiều người dân đã cố tình vứt các loại rác rất nguy hiểm như: mảnh vỡ thủy tinh, mảnh sành sứ... lên thân đê và xuống bờ kè.
Nhiều mảnh vỡ thủy tinh, sành sứ đã trôi xuống sát lòng sông.
Đê sông Cày là nơi có các phương tiện lưu thông từ thị trấn đến khu vực Bara Đò Điệm và ngược lại; dưới sông Cày thường xuyên có những người dân làm nghề chài lưới. Bởi vậy, việc vứt rác thải, nhất là các mảnh vỡ của thủy tinh, mảnh sành... là rất đáng lên án.
Những mảnh thủy tinh được vứt tung tóe trên mặt đường - đê sông Cày.
Mong rằng, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền, nhất là qua hệ thống truyền thanh cơ sở và mạng xã hội để mỗi người dân, nhất là người dân địa phương từ bỏ ngay thói quen tiện tay vứt rác dọc đường, làm ảnh hưởng mỹ quan và gây khó cho các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện các tiêu chí về NTM, đô thị văn minh. Cùng đó, đẩy mạnh các chế tài xử phạt để răn đe.
Nếu không thực hiện đồng bộ, nhất là khâu tuyên truyền, tình trạng dọn xong đống rác này lại xuất hiện đống rác tự phát khác là khó tránh khỏi. Các địa phương cũng sẽ phải “loay hoay” xử lý rác tự phát.