Nhờ nguồn vốn kịp thời từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Phan Ngọc Đồng đã trồng được hơn 200 gốc bưởi Phúc Trạch gần đến giai đoạn cho quả.
Không chỉ vận động hội viên phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện Hương Khê còn khuyến khích nông dân xây dựng mô hình bằng các nguồn vốn lãi suất thấp. Vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các ngân hàng trên địa bàn huyện đã giúp nhiều gia đình hội viên nông dân chuyển đổi sản xuất với các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
Với tiềm năng và lợi thế địa phương, ông Phan Ngọc Đồng (thôn Bình Phúc, xã Lộc Yên) đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào đất màu kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch.
Ông Đồng chia sẻ, năm 2018, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân đã tạo điều kiện cho nhiều người dân trong thôn vay vốn để cải tạo đất, mua cây giống bưởi đặc sản. Ngoài ra, Hội và ngành nông nghiệp cũng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng đạt hiệu quả cao nhất. Sau hơn 3 năm, vườn bưởi hơn 200 cây của gia đình hiện đã phát triển tươi tốt, bắt đầu cho quả bói. Dự tính, mỗi năm sẽ cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Đáng mừng hơn, cánh đồng thôn Bình Phúc nay cũng được phủ xanh bằng nhiều diện tích bưởi đặc sản Phúc Trạch.
Ông Cao Viết Hồng (xã Hương Trạch) hiện có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trang trại.
Cũng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, năm 2019, ông Cao Viết Hồng (thôn Trung Lĩnh, xã Hương Trạch) được vay 100 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại của gia đình. Hơn 4 ha đất trước đây vốn chỉ để trồng keo đã được thay bằng 500 cây bưởi và hàng nghìn cây cam các loại.
Ông Hồng phấn khởi: “Người nông dân thiếu nhất vẫn là nguồn vốn, để bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế ai cũng gặp rất nhiều khó khăn. May mắn chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi nên đã xây dựng được cơ ngơi như hiện nay. Dù mới bước đầu nhưng thu nhập hàng năm cũng đã lên đến hàng trăm triệu đồng”.
Hàng nghìn nông dân ở Hương Khê nhờ tiếp cận nguồn vốn kịp thời đã xây dựng mô hình kinh tế, vươn lên khá giả.
Theo thông tin từ Hội Nông dân Hương Khê, đơn vị hiện đang trực tiếp quản lý và điều hành nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền gần 4,7 tỷ đồng (trong đó, nguồn Trung ương, tỉnh: 1,8 tỷ đồng; cấp huyện 1,5 tỷ đồng; cấp xã 1,391 tỷ đồng), cho 261 hộ vay phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, lũy kế tổng số vốn ủy thác các ngân hàng do Hội quản lý đạt hơn 179 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng NN&PTNT hơn 28 tỷ đồng, cho 365 hộ vay; Ngân hàng Chính sách xã hội là 134 tỷ đồng, cho 3.264 hộ vay; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt 17 tỷ đồng, cho 279 hộ vay.
Ghi nhận trên địa bàn huyện Hương Khê cho thấy, sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân và các ngân hàng chính là “đòn bẩy” giúp hội viên có điều kiện triển khai hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất; qua đó hình thành nên những mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hội Nông dân xã Hương Thủy phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt giải ngân nguồn vốn cho hội viên nông dân.
Đánh giá kết quả tình hình triển khai và quản lý các mô hình được hỗ trợ vay vốn trên địa bàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê Lê Thị Nhung Tuyết cho biết, hầu hết các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích với nhiều mô hình phát huy hiệu quả, nhiều hộ nông dân nghèo nhờ có nguồn vốn kịp thời đã vượt khó vươn lên.
Hơn nữa, thông qua hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác giúp nhau gắn với công tác xã hội cũng đã được hình thành nhằm khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn…