Sở hữu một cửa hàng tạp hóa nhỏ vào năm 2015 nhưng vốn không có duyên với nghề buôn bán, nên đến năm 2018, chị Nguyễn Thị Hương (Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) ngừng kinh doanh, chuyển bán vé sổ xố kiến thiết.
Giờ đây, mỗi khi đi chợ, chị Hương (bìa trái) cũng phải cân nhắc thật kỹ để cân đối thu chi
Với một người làm nghề tự do như chị Hương, thu nhập vốn bấp bênh nên khi giá cả tăng, chị phải chi tiêu dè sẻn hơn trước. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào người chồng, một thợ điện lành nghề. Tuy nhiên, nghề của anh cũng bấp bênh không kém. Có công trình xây dựng nào người ta thuê thì đi, còn không, anh cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, đỡ đần vợ việc nhà, nuôi dạy con cái.
Cũng giống như gia đình chị Hương, từ khi giá cả có dấu hiệu "leo thang", gia đình ông Nguyễn Đức Nhân (khối phố 3, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cũng đang phải tiết kiệm từng đồng thu nhập.
Mỗi khi nhìn vào sổ khám bệnh của chồng, bà Việt càng thêm lo lắng. Tiền chữa trị của ông ngày càng nhiều, trong khi đó, ở tờ hóa đơn tiền điện bên cạnh, giá trị của những con số ngày càng tăng dần
Vợ chồng đều là cựu chiến binh, khi về hưu, do tuổi cao cộng thêm những vết thương khi còn ở chiến trường khiến sức khỏe của ông ngày càng yếu. Hằng tháng, tiền lương hưu của hai ông bà cộng chung lại được khoảng 6 triệu đồng, gần một nửa trong số đó đều dành để thuốc thang mỗi lúc ốm đau.
Bà Nguyễn Thị Việt, vợ ông Nhân chia sẻ: “Bình thường, vợ chồng tôi mỗi tháng đóng khoảng 300 ngàn tiền điện, nhưng vài tháng nắng nóng trở lại đây, có khi hóa đơn lên đến 600 – 800 nghìn đồng. Tiền chữa trị của ông ngày càng nhiều, giá cả sinh hoạt thì tăng, nên mỗi lần nhìn vào sổ khám bệnh của chồng, tôi càng thêm lo. Với đồng lương hưu, phụ cấp hiện tại thì không thể nào xoay sở đủ. May có con cháu ở gần, thỉnh thoảng cũng hỗ trợ đồng ra, đồng vào”.
Chị Trần Thị Hiếu, chủ một cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng ở đường Nguyễn Huy Lung (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Do giá xăng và điện tăng nên các mặt hàng nhu yếu phẩm như các loại gia vị, bánh, kẹo, dầu gội, bột giặt, sữa... cũng tăng lên khoảng 5-10 nghìn đồng so với trước”.
Trước tình trạng giá cả tăng, nhiều bạn trẻ tìm công việc làm thêm để trang trải cuộc sống
Đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, những đối tượng vốn đang lệ thuộc vào kinh tế của gia đình, tìm việc làm thêm đang là lựa chọn được nhiều bạn hướng đến. Bạn Nguyễn Thị Nguyệt, sinh viên năm cuối, Đại học Hà Tĩnh cho biết: “Những ngày hè, thay vì nghỉ ngơi, em đã tìm cho mình một công việc bán thời gian để có thể trang trải chi phí học tập, sinh hoạt, vừa đỡ được một khoản chi phí cho gia đình”.
Tình trạng giá cả tăng cao, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những đối tượng thu nhập thấp. Vì vậy, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần có một kế hoạch cụ thể, dài hạn, để đưa giá cả các mặt hàng về mức bình ổn.