Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Trao “cần câu” thay "xâu cá”

(Baohatinh.vn) - Với chủ trương trao "cần câu" thay "xâu cá”, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã và đang triển khai nhiều mô hình sinh kế, tạo việc làm để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên.

Nhà đông con, lại nuôi thêm người chị bị bệnh nên nhiều năm nay, gia đình bà Hoàng Thị Thu ở thôn Hưng Thành, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) vẫn chưa thể thoát nghèo.

Tháng 4/2023, từ nguồn kinh phí của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình bà Thu 8 triệu đồng để mua bò sinh sản, có thêm việc làm tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập.

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Trao “cần câu” thay xâu cá”

Con bò của gia đình bà Hoàng Thị Thu đã sinh sản thêm 1 con sau 4 tháng chăm sóc.

Bà Hoàng Thị Thu cho biết: “Chúng tôi được cung cấp bò giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc để có thêm sinh kế. Đến nay, bò đã sinh sản thêm một con bò cái. Cả nhà đang trông chờ đàn bò sinh sôi nảy nở để giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Tại xã Cẩm Hưng, năm 2023, toàn xã có 8 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ sinh kế chăn nuôi bò sinh sản với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 76 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh – công chức LĐ-TB&XH xã Cẩm Hưng chia sẻ: “Hỗ trợ sinh kế là giải pháp phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trao sinh kế chính là trao “cần câu”, trao cơ hội nhằm khơi gợi sự nỗ lực, vươn lên. Sau khi trao sinh kế, địa phương triển khai tập huấn, hướng dẫn để các hộ chăm sóc và phát triển mô hình tốt, mang lại nguồn thu ổn định”.

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Trao “cần câu” thay xâu cá”

Bà Nguyễn Thị Liên triển khai mô hình nuôi ong lấy mật từ nguồn hỗ trợ của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Không riêng xã Cẩm Hưng, thời gian qua, các địa phương khác trên toàn huyện Cẩm Xuyên đều đẩy mạnh triển khai hỗ trợ sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Như tại xã Cẩm Mỹ, năm 2022, địa phương hỗ trợ 141 triệu đồng để giúp 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo gây dựng mô hình nuôi ong lấy mật. Qua hơn 1 năm triển khai, nhiều hộ đã nhân rộng đàn ong.

Bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Mỹ Hà, xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Là hộ nghèo, gia đình tôi được địa phương hỗ trợ 10 đàn ong và hướng dẫn, tập huấn phương pháp nuôi ong lấy mật. Sau hơn 1 năm triển khai, gia đình đã nhân rộng được 30 đàn ong. Mô hình bước đầu đã cho thu nhập tốt, bình quân mỗi năm, ong cho lấy mật 4 lần. Mỗi lần thu hoạch, gia đình tôi thu được khoảng 10 lít mật, với giá bán 300.000 đồng/lít cho thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi năm”.

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Trao “cần câu” thay xâu cá”

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai nhiều ở Cẩm Xuyên.

Thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên, từ năm 2021 đến nay, huyện Cẩm Xuyên triển khai 11 mô hình sinh kế cho 124 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng. Các mô hình sinh kế được trao gồm: chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi gà, nuôi ong lấy mật. Qua đánh giá, các mô hình đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, từng bước giúp địa phương hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo đó, đầu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Cẩm Xuyên là 5,13% nhưng đến cuối năm 2022 đã giảm xuống còn 4,39%.

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,18% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,8%, huyện Cẩm Xuyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hỗ trợ, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Song song với các mô hình sinh kế hỗ trợ từ nguồn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, địa phương cũng huy động các tổ chức đoàn thể như: hội nông dân, Ủy ban MTTQ huyện, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… đẩy mạnh triển khai các mô hình sinh kế để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Trao “cần câu” thay xâu cá”

Xã Cẩm Mỹ có 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mô hình nuôi ong lấy mật

Giai đoạn 2021 - 2023, huyện Cẩm Xuyên kêu gọi, vận động nguồn kinh phí xã hội hóa hỗ trợ xây mới 250 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng.

Huyện cũng cấp mới kịp thời, đúng quy định 35.430 thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và tiền ăn trưa cho 162 lượt học sinh thuộc hộ nghèo; hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho hơn 48.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng…

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.