6 con lợn bị bệnh lở mồm long móng được phát hiện ở lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn xã Thạch Hương (huyện Thạch Hà) vào ngày 30/1/2019.
Năm 2019, dự báo tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là nguy cơ cao xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi; một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có sự biến chủng có thể phát sinh, lây lan rộng trên địa bàn...
Trước cảnh báo trên, ngày 25/1/2019, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 04/CT- UBND về công tác, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, ngành chuyên môn thực hiện nghiêm túc chỉ thị để góp phần phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường sinh thái.
Giám sát chặt chẽ nguồn giống thủy sản nhập vào địa bàn tỉnh
Theo đó, các địa phương cần phải xây dựng kế hoạch và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thuỷ sản kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thú y; nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thuỷ sản.
Ngành chuyên môn phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện, báo cáo, tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới xuất hiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại con giống nhập về để theo dõi, hướng dẫn nuôi cách ly, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh dịch bệnh.
Các địa phương cần triển khai tốt 2 đợt tiêm phòng định kỳ bắt buộc cho gia súc, gia cầm
Quan trọng nhất là tập trung chỉ đạo, triển khai 2 đợt tiêm định phòng kỳ trong năm cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, đồng thời tiêm bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm trong các đợt chính, số hết thời gian miễn dịch, số mới phát sinh.
Mặt khác, triển khai thực hiện đạt hiệu quả các đợt, tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi do cấp huyện, tỉnh, trung ương phát động; chỉ đạo, tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng hệ thống kênh cấp thoát nước vùng nuôi, khu vực nuôi, nguồn nước cấp, thiết bị dụng cụ nuôi trồng.
Thực hiện đạt hiệu quả các đợt, tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi
Làm tốt công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời bổ cứu, xử lý các vi phạm trên tất cả các lĩnh vực: Sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng; kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản, hành nghề thú y; buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giết mổ gia súc, gia cầm.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y cho biết: Sau chỉ thị này, ngành chuyên môn cũng đã tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản 2019 và kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.