Hà Tĩnh chung tay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

(Baohatinh.vn) - Bằng những hoạt động thiết thực, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh đã trở thành điểm tựa cho những nạn nhân chất độc da cam, giúp họ vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Có bố mẹ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đều bị nhiễm chất độc da cam nên chị Lê Thị Mận (tổ dân phố 2, phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) cũng bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Chị Mận bị tàn tật, không thể tự đi lại, phải di chuyển bằng xe lăn, cần người hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày. Hiện chị là mẹ đơn thân nuôi con trai học lớp 5. Để có thể chăm lo cho con ăn học, chị Mận làm nghề bán hàng rong trên chiếc xe lăn.

Trước hoàn cảnh khó khăn của mẹ con chị Mận, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, động viên, hỗ trợ vật chất giúp gia đình.

Hà Tĩnh chung tay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Chị Mận biết ơn sự hỗ trợ của các cấp hội dành cho mẹ con chị cũng như các nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh.

Ngày 9/8 vừa qua, nhân kỷ niệm 62 năm “Thảm họa da cam Việt Nam”, con trai chị Mận đã được nhận học bổng trị giá 500 nghìn đồng/tháng (trong vòng 3 năm) từ chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.

Chị Mận chia sẻ: “Từ trước tới nay, mẹ con tôi cũng luôn nhận được sự quan tâm, động viên tinh thần của hội, chính quyền địa phương. Suất học bổng sẽ là động lực để mẹ con tôi cùng cố gắng”.

Hà Tĩnh chung tay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Sự quan tâm thường xuyên của các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam cho hội viên.

Hà Tĩnh có gần 20.000 người tham gia chống Mỹ cứu nước bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó, 15.175 nạn nhân được công nhận hưởng chế độ của Nhà nước. Hiện nay, gần 1.000 người cần được nuôi dưỡng tập trung, phục hồi chức năng; gần 1.000 người cần được học nghề, giải quyết việc làm; gần 1.500 gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay của cộng đồng; hàng trăm gia đình sinh con bị dị tật...

Thời gian qua, từ sự hỗ trợ của các cấp hội, nhiều hội viên đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Chiến (thôn Trung Thịnh, xã Sơn Trung, Hương Sơn) - nạn nhân gián tiếp của chất độc da cam chia sẻ: “Bố tôi bị nhiễm chất độc da cam nên 2 anh em tôi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi vẫn may mắn hơn khi có thể tự đi lại, tự chăm sóc bản thân. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các cấp hội nên tôi có điều kiện phát triển kinh tế bằng việc nuôi bò, lợn…”.

Hà Tĩnh chung tay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Những món quà được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hương Sơn trao tận tay các nạn nhân chất độc da cam đã giúp họ có thêm động lực vươn lên.

Được biết, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hương Sơn có 253 nạn nhân trực tiếp và 153 nạn nhân gián tiếp. Hằng năm, hội cùng các cấp đoàn thể địa phương đã kịp thời thăm hỏi, động viên nạn nhân khi ốm đau và các dịp lễ, tết... vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp để giúp đỡ các gia đình hội viên.

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hương Sơn thông tin: “Từ khi thành lập (năm 2009) đến nay, hội đã tích cực vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân sẻ chia khó khăn với các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Hiện đã có hơn 600 lượt tập thể và cá nhân tham gia ủng hộ số tiền trên 6 tỷ đồng, xây dựng 56 ngôi nhà tình thương, mỗi nhà từ 30-70 triệu đồng. Từ năm 2022 đến nay, hội đã làm tốt công tác vận động xã hội hóa để chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam. Từ nguồn hỗ trợ, hội đã tổ chức trao gần 200 suất quà; 5 con bê sinh sản trị giá 60 triệu đồng cho hội viên; trao tặng 10 xe đạp trị giá 20 triệu đồng…”.

Hà Tĩnh chung tay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, lãnh đạo huyện Nghi Xuân và đại diện các tổ chức, đoàn thể trao quà cho các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học nhân dịp kỷ niệm 62 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2023).

Mặc dù còn nhiều khó khăn, chế độ phụ cấp cho cán bộ hội ở cơ sở nơi có, nơi không, cán bộ chuyên trách phần đa là thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, sức khỏe yếu nhưng họ luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ lực để tri ân đồng đội bằng những nghĩa cử cao đẹp, cống hiến hết mình cho công tác hội.

Bà Hồ Thị Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nghi Xuân cho biết: "Vượt qua những khó khăn trong công tác, chúng tôi đã nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ từ xã hội để giúp đỡ các hội viên. Hiện tổng số hội viên toàn huyện là 1.329 người, trong đó nạn nhân trực tiếp là 311, gián tiếp là 152 và hội viên tự nguyện là 865 người. Trong 8 tháng đầu năm 2023, hội đã vận động và trao trên 850 suất với tổng số tiền gần 460 triệu đồng. Hướng tới kỷ niệm "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” năm 2023, Huyện hội đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 118 nạn nhân tổng trị giá trên 25 triệu...".

Hà Tĩnh chung tay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

“Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” không chỉ là việc làm từ thiện nhân đạo mà trước hết là hoạt động đền ơn đáp nghĩa những người đã có công với đất nước; là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.

Hơn 17 năm hoạt động, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp hội đã kêu gọi được 73 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa. Từ đó, thực hiện các hoạt động tặng quà, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề, khám chữa bệnh; mua sắm trang thiết bị tại các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ vay vốn sản xuất... cho hàng chục nghìn lượt hội viên, nạn nhân.

Trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Nhân dân ta đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề, thảm khốc, đặc biệt là hậu quả của chất độc hóa học. Khắc phục hậu quả này là vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, KT-XH và khoa học. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, cộng đồng xã hội tiếp tục quan tâm, chung tay hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, coi đây không chỉ là việc làm từ thiện nhân đạo mà còn là hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với đất nước, với dân tộc.

Đại tá Nguyễn Minh Nguyên
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.