Đàn trâu, bò được tổ chức tiêm phòng tại huyện Cẩm Xuyên đang có sức khoẻ tốt, phát triển ổn định, tỉ lệ mắc bệnh viêm da nổi cục giảm dần.
Là một trong những “điểm nóng” về dịch viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, xã Cẩm Mỹ đã được hỗ trợ vắc-xin Lumpyvac do Công ty Vetal Animal Health Product S.A (Thổ Nhĩ Kỳ) sản xuất.
Ngay sau đó, địa phương đã huy động nhân lực để hoàn thành triển khai tiêm phòng cho hơn 1.500 con trâu, bò khoẻ mạnh và đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Nhờ được tiêm phòng sớm, đàn bò của gia đình chị Nguyễn Thị Lam (Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) đã an toàn vượt qua đợt dịch. Chị Lam chia sẻ: “3 con bò và 1 con bê của chúng tôi sau tiêm sức khoẻ ổn định. Gia đình rất mừng vì “đầu cơ nghiệp” được bảo vệ tốt”.
Huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành tiêm phòng trên 8.900 liều vắc-xin viêm da nổi cục
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ cho biết: "Xã đã nỗ lực, chủ động trong công tác tiêm phòng nên đến nay, dịch bệnh đã có dấu hiệu lắng xuống, tỉ lệ mắc bệnh giảm hẳn trong 1 tháng trở lại đây. Xã đang tiếp tục xây dựng kế hoạch để hoàn thành tiêm vắc-xin cho hơn 1.400 con trâu, bò của người dân chăn thả tại khu vực đồi núi trong thời gian sớm nhất để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch”.
Được biết, đến thời điểm hiện nay, huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành tiêm phòng trên 8.900 liều vắc-xin phòng chống bệnh viêm da nổi cục (đạt trên 81,6% kế hoạch). Đàn trâu, bò sau tiêm phòng nhìn chung phát triển tốt, tỉ lệ sốc phản vệ thấp.
Con bò của gia đình anh Trần Văn Tuấn (Xuân Lộc, Can Lộc) được tiêm phòng vắc-xin trong đợt đầu tiên của xã
Sau khi dịch viêm da nổi cục xuất hiện trên địa bàn, con bò của gia đình anh Trần Văn Tuấn (xã Xuân Lộc, Can Lộc) đã nhanh chóng được tiến hành tiêm phòng vắc-xin. Anh Tuấn cho biết: “Dù gần đây gia súc trên địa bàn bị nhiễm bệnh nhưng bò của gia đình được tiêm phòng sớm nên không xảy ra vấn đề gì. Qua thông tin trao đổi thì các hộ trong thôn có trâu, bò tiêm vắc-xin cũng đang phát triển tốt”.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Can Lộc, nhờ tập trung quyết liệt các giải pháp, huy động cao nhất lực lượng hành nghề thú y trên địa bàn, đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng được hơn 13.700 liều vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò (đạt trên 90% kế hoạch).
Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng để bảo vệ đàn gia súc.
Ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: “Qua theo dõi của ngành chuyên môn cho thấy, ổ dịch đang từng bước được bao vây, kiểm soát, số gia súc nhiễm bệnh phát sinh mới hằng ngày tại các địa phương được tổ chức tiêm phòng sớm, đạt tỉ lệ cao… đã giảm nhiều so với thời điểm trước khi tiêm phòng.
Từ ngày 1/4 đến nay, số gia súc mắc bệnh bình quân trong ngày tại huyện ở mức từ 8 - 10 con, chủ yếu là những con nằm trong diện không tiêm phòng được do đang mang thai, bê non dưới sáu tháng… (giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, trung bình Can Lộc phát hiện từ 130 - 135 con nhiễm bệnh/ngày)”.
Sau quá trình tập trung thực hiện, đến nay, hơn 118.700/145.900 con trâu, bò của 13/13 huyện, thị xã, thành phố tại Hà Tĩnh (đạt hơn 81%) đã được tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục.
Ngành chuyên môn đề nghị khẩn trương hoàn thành việc rà soát, thống kê số lượng các hộ chăn nuôi, số lượng trâu, bò trên địa bàn để tổ chức tiêm phòng triệt để.
Qua theo dõi, giám sát và báo cáo của các địa phương, sau khi sử dụng vắc-xin, đàn trâu, bò có sức khoẻ ổn định. Trong đó, tỉ lệ gia súc có phản ứng cục bộ sau tiêm phòng (bị áp xe chỗ tiêm, bỏ ăn, sốt nhẹ) chiếm tỉ lệ thấp; một số trâu, bò bị phát bệnh sau thời gian tiêm phòng từ 1 - 2 tuần do trước khi tiêm phòng gia súc đã mang mầm bệnh.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin nên Hà Tĩnh đã cơ bản khoanh vùng, khống chế được các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, nhất là ở các địa phương tiêm phòng đạt tỉ lệ cao như Đức Thọ, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Vũ Quang, TX Hồng Lĩnh... Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng, chống có hiệu quả cao, ngành chuyên môn đề nghị tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc rà soát, thống kê số lượng các hộ chăn nuôi, số lượng trâu, bò trên địa bàn chưa được tiêm phòng để đăng ký mua thêm vắc-xin và tổ chức tiêm phòng triệt để. Đặc biệt, trong quá trình tiêm phòng cho đàn gia súc còn lại, đề nghị các địa phương phân loại tốt đối tượng tiêm phòng theo quy định; quản lý, theo dõi chặt chẽ trâu, bò sau khi tiêm phòng, không để tiếp xúc với các đối tượng đã bị nhiễm bệnh vì khi hoàn thành tiêm vắc-xin thì 28 - 30 ngày sau gia súc mới có kháng thể kháng vi-rút viêm da nổi cục. Cùng với đó, thực hiện tốt các yêu cầu trong Công điện số 280-CĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh để tiếp tục bao vây, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở các địa phương, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi”. |