Chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy số lợn bị dịch bệnh ở Cẩm Xuyên
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng và các địa phương ở Hà Tĩnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, kịp thời để bao vây, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Công tác phòng, chống dịch đạt một số kết quả bước đầu, nhìn chung các ổ dịch đều được phát hiện sớm, tổ chức bao vây, khống chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; chưa để dịch bệnh bùng phát lây lan rộng và phát sinh ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, giảm thiểu số lợn phải tiêu hủy do bệnh DTLCP; hiện có 6 xã qua 30 ngày dịch không phát sinh thêm.
Tuy vậy, bệnh DTLCP trên cả nước đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; đến ngày 20/7, có 5.872 xã thuộc 548 huyện của 62 tỉnh, thành phố có dịch, với tổng số lợn tiêu hủy gần 3,7 triệu con, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, qua kiểm tra cho thấy trong triển khai thực hiện còn có những tồn tại, nhất là nhận thức về DTLCP của một bộ phận người dân và cán bộ chưa đầy đủ; một số địa phương chưa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chưa coi nhiệm vụ phòng chống, khống chế DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách.
UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các địa phương phải xem phòng chống, khống chế DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Dự báo thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh sẽ lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch, tái phát các ổ dịch cũ và xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, làm chết, buộc phải tiêu hủy nhiều lợn gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước.
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, giảm số lượng lợn phải tiêu hủy do dịch bệnh, giảm thiểu tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Công điện số 09/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã phân rõ trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, triển khai cụ thể từng giải pháp, có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên để rút kinh nghiệm, bổ cứu kịp thời các tồn tại, hạn chế; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động hội viên tham gia phòng, chống dịch bệnh;
Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh để xử lý kịp thời; hằng tháng rà soát nắm chắc tổng đàn, số hộ, trang trại chăn nuôi lợn để khuyến cáo người chăn nuôi dừng tái đàn để tránh thiệt hại; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện nghiêm các điều kiện chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường theo quy định.
Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn; xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ lợn không đảm bảo quy định; mua, bán lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch, để dịch xảy ra, lây lan.
Các địa phương đang có dịch, đánh giá tình hình, diễn biến để công bố dịch theo quy định; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP kịp thời, đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục đảm bảo đề xuất hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Trong thời gian có dịch, không thực hiện nhập lợn nuôi tái đàn tại các hộ, trại trong vùng dịch nhằm giảm thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương để tham mưu, chỉ đạo, bổ cứu kịp thời; chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; đồng thời cung ứng kịp thời vật tư, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống bệnh và hỗ trợ cho người chăn nuôi kịp thời đảm bảo quy định.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đề nghị các Ban Đảng Tỉnh ủy, UBMTTQ tỉnh, Trưởng các Đoàn công tác của Tỉnh ủy tại các địa phương, cơ sở tăng cường phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống bệnh DTLCP tại địa phương, cơ sở có hiệu quả, đúng quy định.