Huyện Thạch Hà lập chốt kiểm soát tại xã Thạch Hội nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Dưới cái nóng bỏng rát 40 – 41 độ C, nhưng khi đi qua tuyến đường ven biển được đặt tại thôn Liên Quý, xã Thạch Hội (Thạch Hà) luôn thấy lực lượng trực chốt kiểm dịch động vật "đội" nắng phun hóa chất tiêu độc khử trùng các phương tiện qua lại. Trên gương mặt đen sạm nhễ nhãi mồ hôi, ông Lê Văn Thưởng – cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết: Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà đã thành lập chốt kiểm dịch động vật với 12 người được chia làm 3 tổ thay nhau túc trực cả ngày và đêm.
Gần một tháng qua, lực lượng chốt canh "đội" nắng kiểm soát phương tiện vào ra trên địa bàn
“Anh em chúng tôi bám trụ ở chốt cũng đã hơn 1 tháng qua với điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, vất vả. Vị trí đặt chốt ở nơi thưa thớt dân cư, quán hàng không có nên hầu hết phải ăn mì tôm trừ bữa. Nhưng mệt mỏi nhất vẫn là làm việc giữa thời tiết nắng nóng kéo dài, có lúc cảm thấy kiệt sức. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ chung, không chỉ tổ của tôi mà anh em các tổ đội khác cũng không quản ngại khó khăn nỗ lực hết mình với mục tiêu nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn” – ông Thưởng chia sẻ.
Dưới cái nóng 40 - 41 độ C, lực lượng chức năng vẫn luôn nỗ lực bám trụ tại các chốt kiểm soát
Ông Nguyễn Văn Sáu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, huyện Thạch Hà thành lập 73 chốt kiểm dịch và được kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nên lực lượng này hoạt động khá hiệu quả.
Đến thời điểm này, huyện Thạch Hà chưa xẩy ra dịch tả lợn châu Phi. Có thể xem đây là “chiến công” trước mắt của lực lượng trực chốt trong thời gian qua cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức. Tuy vậy, dịch bệnh hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy các chốt kiểm soát vẫn phải tiếp tục duy trì, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn qua lại địa bàn huyện.
Để khống chế dịch bệnh, lực lượng phường Thạch Linh (TP. Hà Tĩnh) thức trắng đêm để kiểm soát dịch phương tiện ra vào vùng dịch.
Hơn 12h đêm, chúng tôi có mặt tại chốt canh trên tuyến đường Lê Hồng Phong - phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) nơi đang có dịch tả lợn châu Phi. Tại đây, các lực lượng chức năng vẫn “căng mắt” túc trực kiểm soát phương tiện từ ổ dịch ra ngoài địa bàn. Trung úy Nguyễn Hồng Phúc – Công an phường Thạch Linh cho biết: "Từ khi dịch bệnh xẩy ra đến nay cũng đã hơn 2 tuần. Đêm nào chúng tôi cũng thức trắng tại chốt để phun hóa chất tiêu độc khử trùng để khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Trong quá trình canh chốt vào ban đêm vẫn có một vài trường hợp bất hợp tác, phóng xe qua chốt, đôi co với lực lượng chức năng. Bởi vậy, chúng tôi phải tuyên truyền nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh".
Cũng thức trắng đêm gần cả tháng nay phải kể đến các chốt kiểm soát trên địa bàn huyện Can Lộc, đặc biệt là chốt kiểm soát tại xã Tùng Lộc nơi giáp ranh với xã Hồng Lộc (Lộc Hà) - nơi đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Dù kinh phí cho mỗi ngày trực chỉ được trả công 100 nghìn đồng nhưng lực lượng trực chốt ở đây vẫn không nề hà bỏ chốt, luôn vì mục tiêu chung quyết tâm ngăn ngừa dịch bệnh.
Đó là hình ảnh chung tại hầu hết các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn căng mình phòng chống dịch tả lợn châu Phi giữa đợt nắng nóng khủng khiếp kéo dài chưa từng xẩy ra.
Các địa phương có dịch và chưa có dịch cần tiếp tục duy trì chốt kiểm soát để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quang Tiến – Trưởng phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh) cho hay: Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng hiện chưa có vắc-xin đặc hiệu. Bởi vậy, chủ động thành lập các chốt kiểm soát trên địa bàn là hết sức cần thiết trong việc khống chế, ngăn ngừa dịch bệnh.
Mặc dù trong thời tiết khắc nghiệt nhưng nhìn chung lực lượng tại các chốt canh trên địa bàn tỉnh đã làm tốt vai trò trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường nên các địa phương phải tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại.