Tháng Tám - mùa thu luôn gợi lên trong lòng người dân đất Việt những cảm xúc bồi hồi. Bước đi trên những con đường rợp bóng cờ hoa, lòng người như còn nghe tiếng vọng của những ngày thu lịch sử hào hùng.
Ký ức hào hùng
Trong không khí của ngày thu lịch sử, tôi may mắn được gặp cụ Ngô Đức Trình (SN 1934 - nguyên Phó Chủ tịch huyện Can Lộc), hiện trú tại tổ dân phố Sơn Thịnh - thị trấn Nghèn.
Cụ Ngô Đức Trình kể lại không khí hào hùng của những ngày thu lịch sử năm 1945.
Khi Cách mạng tháng Tám 1945 diễn ra, cụ Trình còn ở độ tuổi niên thiếu. Là con trai của cụ Ngô Đức Chương (SN 1911 - nguyên Bí thư Chi bộ thôn Lội Thủy, thuộc làng Hạ Lội - xã Tiến Lộc, nay thuộc thị trấn Nghèn), cậu bé Trình đã chứng kiến cha mình cùng các đồng chí hoạt động cách mạng nên sớm được giác ngộ.
Trong những ngày tháng lịch sử đó, dù còn nhỏ, cậu đã cảm nhận được một bầu không khí cách mạng sục sôi, một khí thế hừng hực của người dân làng Hạ Lội và các vùng lân cận.
Dấu tích Huyện đường Can Lộc.
“Sáng ngày 16/8/1945, sau khi ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc mở hội nghị cán bộ toàn huyện để truyền đạt chủ trương, bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa, cha tôi cùng một số đồng chí cốt cán của chi bộ dẫn đầu đoàn người làng Hạ Lội kéo lên huyện đường, cùng người dân các vùng khác tham gia giành chính quyền.
Ngay trong chiều hôm đó, Nhân dân Can Lộc đã xông vào huyện đường, treo cờ đỏ sao vàng, buộc tri huyện Đặng Doãn phải giao nộp ấn tín” - cụ Trình bồi hồi nhớ lại. Trong những ngày khí thế cách mạng sục sôi đó, đền Ngọc Mỹ (xã Phù Lưu) và đình Đỉnh Lự (xã Hồng Lộc) huyện Lộc Hà cũng là nơi ghi dấu phong trào đấu tranh giành chính quyền của Nhân dân ta.
Cụ Quang Anh là một trong những người lãnh đạo, tham gia cùng Nhân dân vùng Hạ Can đấu tranh giành chính quyền từ tay thực dân Pháp và tay sai.
Dù đã gần 100 tuổi nhưng ký ức về thời kỳ hào hùng của dân tộc trong những ngày toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền vẫn được cụ Đặng Quang Anh (SN 1924, thôn Thanh Ngọc, xã Phù Lưu) ghi nhớ.
Cụ Quang Anh là cán bộ tiền khởi nghĩa, được kết nạp Đảng vào tháng 7/1945, nguyên Đội trưởng Đội Tự vệ cảm tử, Thư ký Mặt trận Việt Minh xã Phù Lưu. Lúc bấy giờ, đền Ngọc Mỹ được chọn làm nơi hoạt động cách mạng.Cụ Quang Anh cùng các đồng chí của mình phát tài liệu, lập ban kinh tài; vận động người dân may cờ, chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến.
Đền Ngọc Mỹ - nơi ghi dấu phong trào đấu tranh cách mạng.
Cụ kể lại: Ngày 15/8/1945, cán bộ Việt Minh treo cờ Tổ quốc tại đền Ngọc Mỹ, tổ chức mít tinh thị uy, kêu gọi Nhân dân tổng Phù Lưu nổi dậy giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, Nhân dân tổng Phù Lưu chia làm 2 đoàn: một đoàn tập trung tại Chợ Eo (nay thuộc xã Ích Hậu), kéo sang Cầu Trù (nay thuộc xã Phù Lưu), đi qua chợ Huyện (nay thuộc xã Bình An); một đoàn tập trung tại đình Đỉnh Lự (nay thuộc xã Hồng Lộc), kéo lên rú Bin (xã Hồng Lộc).
Đoàn người tay cầm cờ, hô vang khẩu hiệu “Hoan nghênh phái bộ đồng minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Cuộc biểu dương lực lượng của Nhân dân cả tổng nhanh chóng thành công, chánh tổng buộc phải giao nộp ấn tín, Mặt trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền dân chủ nhân dân.
Cầu Trù cũng là chứng tích về một thời kỳ lịch sử hào hùng của Nhân dân Hà Tĩnh.
Cùng lúc đó cuộc khởi nghĩa ở các huyện cũng nhanh chóng giành chính quyền; tại tỉnh lỵ Hà Tĩnh, cuộc mít tinh lớn nhằm biểu dương lực lượng và trấn áp kẻ thù diễn ra trước dinh thự tỉnh trưởng Hà Văn Đại cũng thành công rực rỡ.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh diễn ra khẩn trương, thắng lợi trọn vẹn chỉ trong 5 ngày (từ 16 - 21/8/1945). Hà Tĩnh là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước, góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng ở các địa phương trên toàn quốc.
Viết tiếp những trang sử vàng
Sáng mùa thu 2/9/1945, lịch sử đã sang trang khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ mùa thu đó, dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng đã thoát khỏi xiềng xích nô lệ, sống cuộc đời mới với một tâm thế mới - tâm thế của người dân một nước độc lập.
Từ sau mùa thu cách mạng, người dân được sống một cuộc đời mới với một tâm thế mới - tâm thế của người dân một nước độc lập. (Trong ảnh: Cụ Ngô Đức Trình thay mới lá cờ Tổ quốc để chào mừng ngày Quốc khánh 2/9).
Cũng từ mùa thu đó, Nhân dân ta đã đi qua rất nhiều những mùa thu vất vả, gian lao nhưng rất đỗi vinh quang, tự hào để giành và giữ vững nền độc lập, tự do, xây dựng nước nhà. 76 năm đã trôi qua nhưng tinh thần Cách mạng tháng Tám quật khởi đã trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc Đảng bộ, Nhân dân Hà Tĩnh phát huy thành quả, viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển.
Quảng trường thành phố Hà Tĩnh đón mừng ngày Quốc khánh.
Với chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, bằng sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ một tỉnh nghèo, Hà Tĩnh đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới; có tốc độ thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp thuộc tốp đầu cả nước.
Hà Tĩnh đang tập trung thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tương lai không xa, mảnh đất này sẽ trở thành điểm dừng chân của các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu trong xây dựng phát triển tổ hợp công nghiệp ô tô, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Vũng Áng. Ảnh: Thu Trang
Hà Tĩnh đang đổi thay từng ngày. Thế hệ hôm nay đang kế tục, tiếp nối, phát huy thành quả cách mạng, tinh thần hào hung của Cách mạng tháng Tám, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.