Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX cùng dự hội nghị.
Sau khi có chủ trương của Trung ương về triển khai chương trình OCOP, Hà Tĩnh đã khảo sát, xây dựng và ban hành đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030”. Hà Tĩnh là 1 trong 30 tỉnh trong cả nước phê duyệt đề án OCOP.
Đề án OCOP Hà Tĩnh được xây dựng trên quan điểm lấy người dân làm chủ thể của quá trình thông qua HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng tổ chức sản xuất; phát huy tính chủ động, tự tin, sáng tạo của cộng đồng, phát triển tuân thủ cơ chế thị trường, có định hướng, quản lý của Nhà nước; Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức phát triển theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Thành viên Ban soạn thảo đề án OCOP báo cáo nội dung đề án
Theo đề án, năm 2019, Hà Tĩnh có ít nhất 70 sản phẩm, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP; có tối thiểu 25 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP (trong đó hoàn thiện và chuẩn hóa tối thiểu 20 sản phẩm, phát triển mới tối thiểu 5 sản phẩm); có ít nhất 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Về phát triển các tổ chức kinh tế, đề án đặt mục tiêu củng cố, nâng cấp tối thiểu 30 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hiện có thực hiện chương trình OCOP; phát triển mới tối thiểu 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Đào tạo, tập huấn kiến thức về chương trình OCOP, quản lý SXKD cho: 100% cán bộ tham mưu chương trình; 100% các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia. Hình thành 1-2 trung tâm bán sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Ngọc Cảnh (thị trấn Cẩm Xuyên): Đề án OCOP với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất phù hợp là điều kiện thuận lợi hơn để người dân chúng tôi triển khai sản xuất các sản phẩm truyền thống.
Tại hội nghị, đại diện các sở ngành, địa phương và các chủ mô hình sản xuất sản phẩm OCOP đánh gia cao tầm quan trọng của đề án, đồng thời thống nhất cao với nội dung, kế hoạch triển khai đề án trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng cho rằng, đây là vấn đề khá mới nên việc triển khai còn có những khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Việc phát triển sản phẩm cần tập trung vào chất lượng, chiều sâu, để tạo ra sản phẩm chiến lược có thương hiệu, có tầm trên cả nước và trên thế giới…
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Phát triển sản phẩm OCOP phải xác định rõ người dân là chủ thể của quá trình thực hiện.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận các sở, ngành, địa phương đã có sự vào cuộc, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của thực hiện chương trình OCOP.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng NTM, đô thị văn minh gắn với với thực hiện chương trình OCOP; triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng NTM, trong đó có xây dựng KDC kiểu mẫu để ngày càng lan tỏa sâu rộng, bền vững, khẳng định tính sáng tạo của Hà Tĩnh trong thực hiện tiêu chí 20.
Về Chương trình OCOP, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đây là đề án “mở”, luôn tạo ý tưởng cho những sáng tạo, khởi nghiệp. Vì vậy, yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tổ chức quán triệt sâu rộng, tuyên truyền tập huấn làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp… nhằm đạt mục tiêu bao quát của đề án là: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; làm sống lại giá trị truyền thống của địa phương…