Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đại diện các địa phương và một số doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự hội thảo
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang tính đột phá, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có sự chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, với công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến, có liên kết, sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh Trần Công Lệ: Những năm qua, Công ty đã liên kết với các hộ dân trồng chè trên địa bàn tỉnh. Đặt biệt, công ty chú trọng đến vấn đề nguyên liệu sạch, sản xuất các sản phẩm chè đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng mang lại giá trị xuất khẩu cao.
Trong đó, sản xuất cây ăn quả có múi (cam, bưởi Phúc Trạch) liên tục được mùa, được giá, thị trường tiêu thụ tốt, đưa lại thu nhập khá cao cho người dân, tạo động lực mở rộng nhanh diện tích.
Đặc biệt, bước đầu tỉnh đã hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với quy mô tiêu thụ hàng năm lên đến trên 2.000 tấn sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển mở rộng chuỗi liên kết trồng chè công nghiệp đạt trên 1.200 ha (có trên 600 ha đạt chuẩn VietGAP), sản lượng búp trên 11.600 tấn (tăng 2,8 lần), giá trị xuất khẩu đạt 5 triệu USD/năm.
Giám đốc HTX Hải Hà (Xuân Mỹ - Nghi Xuân) Lê Văn Bình: Rào cản lớn nhất của nông nghiệp Hà Tĩnh là khí hậu khắc nghiệt, thị trường đầu ra khó khăn và hầu hết sản phẩm chưa được kiểm định về chất lượng, an toàn thực phẩm. Bởi vậy, người dân Hà Tĩnh chưa dám đầu tư nhiều cho ngành nông nghiệp vì rủi ro cao, thiếu bền vững.
Ngành chăn nuôi đã có sự thay đổi rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, phân tán sang gia trại, trang trại, nuôi công nghiệp, nuôi liên kết. Tỉnh đã phát triển mới hơn 229 vùng chăn nuôi tập trung, tỷ trọng chăn nuôi quy mô trang trại, công nghiệp đạt trên 35,9% về tổng đàn.
Ngoài ra, lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp cũng từng bước phát triển mạnh, xây dựng được nhiều mô hình VietGAP mang lại giá trị kinh tế cao cho các cơ sở tham gia.
Giám đốc Công ty TNHH Tâm Lộc Trần Hữu Cần: Cần phải kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và đưa giáo dục về các sản phẩm sạch, an toàn vào trong trường học để tuyên truyền cho các em học sinh.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức khảo sát, hướng dẫn, phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã tiến hành xây dựng, áp dụng thành công 15 chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận, gắn với truy xuất nguồn gốc (2 chuỗi bưởi Phúc Trạch, 4 chuỗi cam, 1 chuỗi dưa lưới, 1 chuỗi thịt lợn, 1 chuỗi thịt gà, 2 chuỗi thủy sản, 2 chuỗi gạo và 2 chuỗi rau)...
Chánh văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oanh: Cần phải đưa ra được quy chuẩn sạch cho các sản phẩm, để người tiêu dùng biết được như thế nào là sản phẩm sạch, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận chỉ ra một số tồn tại trong việc phát triển nông nghiệp chất lượng cao an toàn thực phẩm liên kết trên địa bàn tỉnh. Trong đó, năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông sản còn thấp, chưa xây dựng được thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ khép kín do khâu sản xuất ban đầu có nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh: Phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm là hướng đi tất yếu trong xu thế hội nhập.
Hội thảo cũng đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm có liên kết. Tiếp tục khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình liên kết giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân, gia trại, trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ;
Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giống, bảo đảm chủ động nguồn giống an toàn dịch bệnh, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và đồng nhất về chất lượng.
Hội thảo còn đặc biệt quan tâm đến giải pháp về phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm, cơ chế chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển với quy mô, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực...