Chi phí không chính thức “làm khổ” doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật đã được Hà Tĩnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các ngành, địa phương đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian và chi phí hành chính cho DN.
Điều này được đánh giá rõ ở chỉ số PCI tăng khá qua các năm. Nếu so sánh về cải thiện chỉ số PCI gốc (2006) thì Hà Tĩnh thuộc tốp đầu, đứng thứ 2 cả nước. Điều này cho thấy chất lượng điều hành của chính quyền liên tục được cải thiện và được cộng đồng DN, nhà đầu tư ghi nhận.
Sự đồng hành của chính quyền là điều kiện cần thiết để DN phát huy tiềm lực sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập và cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để cắt giảm chi phí cho DN nhiều hơn. Qua phân tích số liệu chỉ số PCI 2017 của Hà Tĩnh thì vẫn còn 4 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2016 gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí về thời gian, cạnh tranh bình đẳng; trong khi đó, một số chỉ số thành phần xếp thứ hạng thấp so với cả nước như: Chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng…
Thậm chí, nhiều DN chưa hài lòng và cho rằng phải mất nhiều chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính và trong công tác thanh tra, kiểm tra như tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra; tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN là phổ biến…
Một chủ DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cho biết: “Mặc dù DN nhỏ, chỉ mới thi công những công trình “lặt vặt” nhưng các chi phí không chính thức khá nhiều chứ chưa tính đến các DN, công ty có quy mô lớn hơn. Hoặc đơn giản hơn, khi làm thủ tục A, cán bộ xử lý có thể xử lý 2 ngày đúng quy định nhưng cứ “nấn ná” để DN phải mất chi phí không chính thức”.
Không còn là khẩu hiệu!
Ngày 31/1/2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN. Theo đó, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, kế hoạch hành động hướng đến mục tiêu cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý, tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường…
Hỗ trợ DN để giảm thời gian thực tế xem xét, cấp giấy chứng nhận đãng ký thành lập DN, đăng ký đầu tư là nhiệm vụ quan trọng của chương trình hành động.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào các nội dung chính như chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí đầu vào SXKD; phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên; chi phí không chính thức. Theo đó, các đơn vị liên quan quán triệt tinh thần hỗ trợ DN để giảm thời gian thực tế xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập DN, đăng ký đầu tư; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí SXKD; tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền để đề xuất phương án giảm phí, lệ phí phù hợp với quy định pháp luật…
Riêng về vấn đề chi phí không chính thức, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho DN…
DN Hà Tĩnh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tích cực vận động DN phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức… Song hành với đó là có biện pháp, cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với DN tố cáo hành vi nhũng nhiễu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Trung Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hà Tĩnh cho biết: “Khi UBND tỉnh ban hành chương trình hành động, cộng đồng DN Hà Tĩnh rất hoan nghênh và phấn khởi với hy vọng môi trường SXKD 2019 sẽ “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, để tránh những hoài nghi không đáng có cũng như gia tăng sự tin tưởng vào công tác điều hành, quản lý Nhà nước, các đơn vị liên quan nên thực hiện chương trình hành động triệt để, thực chất”.