Tại xã Trường Lộc, việc xây dựng kế hoạch đón bằng công nhận đã được xã triển khai cụ thể, chu đáo. Anh Lê Đình Quang - quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo để phân công trách nhiệm cụ thể, theo đó xã thành lập 5 tổ phục vụ phụ trách từng mục công việc. Ngoài ra, xã phối hợp chặt chẽ với dòng họ và Bảo tàng tỉnh trong việc tổ chức các chuỗi hoạt động văn hóa văn nghệ, đón tiếp, trưng bày về Hoàng hoa sứ trình đồ…”.
Công tác trang trí tại phòng trưng bày đang gấp rút được thực hiện
Từ kế hoạch và chương trình phối hợp của xã, việc trang trí chuẩn bị cho phòng trưng bày Hoàng hoa sứ trình đồ tại trụ sở UBND xã Trường Lộc cũng đang được gấp rút hoàn thành.
Ông Nguyễn Trí Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Ngoài không gian dành để trưng bày phiên bản, tại Trường Lộc, chúng tôi bố trí 34 bức ảnh, là những hình ảnh giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành tấm bản đồ đi sứ của cụ Phan Huy Oánh đến quá trình tìm hiểu, sao chép, giữ gìn của cháu con trong dòng họ và những hoạt động của tỉnh trong việc góp phần bảo vệ thành công hồ sơ Hoàng hoa sứ trình đồ trước Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.
Cùng với những hoạt động của chính quyền địa phương, con cháu dòng họ Nguyễn Huy và người dân Trường Lưu đã chung tay góp sức cho các phần việc để hoạt động tôn vinh, quảng bá hình ảnh Hoàng hoa sứ trình đồ thêm phần trang trọng. Đó là các hoạt động vệ sinh môi trường khu vực xã và nhà thờ cụ Nguyễn Huy Oánh, tập luyện chương trình văn hóa văn nghệ của địa phương được biểu diễn ngay tại nhà thờ của cụ vào tối 15; tổ chức hoạt động nói chuyện về Hoàng hoa sứ trình đồ của Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ cho học sinh trên địa bàn nhằm tiếp thêm niềm tự hào cho thế hệ trẻ trên vùng đất văn hóa.
Ngoài không gian trưng bày bản sao Hoàng hoa sứ trình đồ, Bảo tàng tỉnh trưng bày 34 bức ảnh về quá trình tìm hiểu, sao chép và bảo vệ hồ sơ Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Thầy Nguyễn Huy Long - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Kính cho biết: “Việc tổ chức cho các em học sinh nghe về Hoàng hoa sứ trình đồ là một hoạt động ý nghĩa giáo dục truyền thống, lòng tự hào về con người và mảnh đất văn hóa của quê hương. Đó cũng là hoạt động giúp các em hiểu rõ hơn về giá trị của di sản và có ý thức trong việc quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản”.
Cùng với hoạt động của chính quyền địa phương, dòng họ, những ngày này Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ đã tổ chức giới thiệu về Hoàng hoa sứ trình đồ cho các em học sinh trên quê hương Trường Lộc
Không khí khẩn trương chuẩn bị cho lễ đón bằng di sản cũng hiện hữu tại nhà văn hóa Xuân Diệu - thị trấn Nghèn, nơi chính thức tổ chức lễ công bố. Tại đây, các hoạt động chuẩn bị cho lễ tổ chức, treo pano, áp phích, băng cờ cũng đang được các lực lượng triển khai.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết: “Sau khi thành lập ban chỉ đạo, chúng tôi cũng đã tổ chức họp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị di sản Hoàng hoa sứ trình đồ trong quần chúng nhân dân; chuẩn bị khánh tiết, pano, áp phích, khâu nối với các sở, ngành liên quan trong việc đón tiếp khách. Huyện cũng giao phòng Văn hóa phối hợp với Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh trong việc chuẩn bị chương trình nghệ thuật biểu diễn tại lễ công bố”.
Chạy đua với thời gian bằng những phần việc cụ thể, công tác chuẩn bị cho lễ đón nhận di sản Hoàng hoa sứ trình đồ đang được người dân Can Lộc gấp rút hoàn tất, đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, gọn nhẹ, tiết kiệm, qua đây nhằm tuyên truyền, giáo giục về truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học của quê hương Hà Tĩnh; giới thiệu, quảng bá để mọi người hiểu rõ giá trị của di sản.