Sáng 13/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện công tác GPMB và tiến độ khởi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và đại diện Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) – chủ đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc qua Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km) với tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố và được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần vào ngày 13/7. Hiện nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208/721,2 km (đạt 29%). Dự kiến đến ngày 5/11, sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần.
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Bộ GTVT đã giao kế hoạch vốn 7.174,83 tỷ đồng năm 2022 cho các địa phương để triển khai công tác GPMB. Đến nay, các địa phương đã giải ngân được 408,58 tỷ đồng.
Trên cơ sở nguồn vốn năm 2022 được bố trí, Bộ GTVT yêu cầu các Ban QLDA làm việc với các tổ chức/hội đồng làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để rà soát nhu cầu, khả năng giải ngân của từng địa phương theo tiến độ GPMB, kịp thời báo cáo Bộ GTVT để điều chỉnh (nếu cần).
Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới các địa phương có tuyến cao tốc đi qua.
Trên cơ sở đo đạc tại thực địa, các địa phương đã thực hiện kiểm đếm. Đến nay, đã kiểm đếm được 5.854/6.303 ha, đạt tỷ lệ trung bình 93%. Một số tỉnh đã lập và phê duyệt phương án bồi thường theo từng đợt.
Theo kết quả kiểm đếm đến ngày 10/10, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 40.100 hộ và phải tái định cư (TĐC) 6.637 hộ. Các địa phương dự kiến xây dựng 116 khu TĐC và hiện đã phê duyệt quy hoạch của 50 khu TĐC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra phương án thiết kế tuyến cao tốc qua địa bàn Hà Tĩnh
Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đi qua Hà Tĩnh có chiều dài 102,38 km với 3 dự án thành phần gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 tuyến kết nối dài 12,18 km, gồm: đường nối Ngô Quyền – ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1.
Căn cứ trên mốc GPMB thực địa mà chủ đầu tư bàn giao, toàn tỉnh kiểm đếm đạt 95% (3/6 địa phương kiểm đếm đạt 100% là Đức Thọ, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh). Nguồn vốn đã được Trung ương bố trí kinh phí GPMB là 1.255,7 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân là 230,48 tỷ đồng (đạt 18,35%).
Hội đồng đền bù GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam huyện Đức Thọ chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp cho hộ dân bị ảnh hưởng dự án
Đối với các hạ tầng kỹ thuật (đường điện, nước, cáp quang...) thì hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang chỉ đạo đơn vị tư vấn, phối hợp với Điện lực Hà Tĩnh, Truyền tải điện thực hiện công tác khảo sát, lập phương án di dời.
Các địa phương có tuyến cao tốc đi qua dự kiến xây dựng 28 khu TĐC và đã trình thẩm định phê duyệt. Tới nay, có 2 địa phương (huyện Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh) đã được thẩm định, phê duyệt.
Hà Tĩnh dự kiến xây dựng 28 khu TĐC liên quan dự án cao tốc Bắc - Nam.
Hà Tĩnh cũng đã có văn bản về việc chấp thuận vị trí bãi chứa vật liệu thải phục vụ dự án đoạn qua địa bàn với đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng là 52 bãi đổ thải, trữ lượng 5,82 triệu m3/nhu cầu 5,6 triệu m3; đoạn Vũng Áng – Bùng 4 bãi đổ thải, trữ lượng 2,91 triệu m3/nhu cầu 2,5 triệu m3 và có ý kiến thống nhất với Sở TN&MT về nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đồng thời có văn bản gửi Bộ GTVT để chỉ đạo, triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định.
Hà Tĩnh đang phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT có phương án về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 2 khu đất quốc phòng (kho vũ khí, trang bị tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà và trường bắn Trung đoàn 841 tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay, chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn tỉnh là gần 103/260 km, tương đương khoảng 40% chiều dài đoạn Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị. Tỉnh dự kiến di dời 800 hộ dân, gần 800 mồ mả; xây dựng 28 khu TĐC (25 khu dân cư, 3 khu nghĩa trang).
Thời điểm này, Hà Tĩnh đã kiểm đếm GPMB dự án đạt 95%; tiến độ giải ngân kinh phí GPMB được 230,48/1.255,7 tỷ đồng, đạt 18,35% và đang tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm đếm, áp giá, công khai phương án bồi thường, xây dựng kế hoạch, tiến hành chi trả đảm bảo tiến độ giải ngân.
Tỉnh đã thực hiện việc công bố giá vật liệu, chấp thuận các mỏ vật liệu và các vị trí bãi đổ thải cho chủ đầu tư...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực thực hiện tốt các phần việc trong công tác GPMB để đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 đúng như yêu cầu của Chính phủ và Bộ GTVT.
Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ giao việc di dời đường điện cao thế cho chủ các công trình để việc di dời GPMB được thuận lợi, đảm bảo an toàn.
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh thay mặt UBND tỉnh kiến nghị tới Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề liên quan tới GPMB dự án như: sớm thống nhất phương án về công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC đối với 2 khu đất quốc phòng; hướng giải quyết đối với các trường hợp hộ dân có “đất ở, đất vườn, nhà ở, công trình” dự kiến nằm trong hành lang ATGT tuyến cao tốc.
Hiện nay, Hà Tĩnh gặp một số vướng mắc đó là: việc di dời các đường điện cao thế (110 kV, 220 kV, 500 kV) khi các địa phương được giao là chủ đầu tư nhưng thủ tục, trình tự xử lý lại ở cấp bộ và trình độ năng lực của cán bộ địa phương không thể đáp ứng yêu cầu công việc; về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đối với các khu vực mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường cao tốc nhưng chưa cấp giấy phép khai thác...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận cuộc họp. Ảnh VGP.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khi thực hiện các nội dung chuẩn bị cho việc khởi công các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh là một trong những địa phương làm tốt công tác GPMB dự án, khi khối lượng kiểm đếm đã đạt 95% và việc giải ngân kinh phí đền bù GPMB cao nhất trong các tỉnh có tuyến cao tốc đi qua với 230,48/1.255,7 tỷ đồng.
Dù đã làm tốt các phần việc trong thời gian qua nhưng theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, để đảm bảo dự án được khởi công vào cuối tháng 12/2022 thì khối lượng các công việc, nhất là công tác đền bù GPMB vẫn còn nhiều khó khăn nên các đơn vị, địa phương cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp, thực hiện hiệu quả công việc được giao.
Liên quan tới kiến nghị của Hà Tĩnh và các địa phương về vướng mắc trong công tác GPMB dự án, Phó Thủ tướng giao cho Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ: Quốc phòng, TN&MT, Công thương... đưa ra phương án xử lý phù hợp, đúng quy định pháp luật.