Video: Nguy hiểm rình rập khi trẻ nhảy từ đập bara sông Tiêm (Hương Vĩnh, Hương Khê)
Vì cuộc sống mưu sinh, rất nhiều người dân đang “đánh cược” mạng sống với những con nước. Những vụ đuối nước thương tâm thời gian gần đây trên địa bàn một số huyện như Hương Khê, Kỳ Anh… mà nạn nhân là những người trong cùng một gia đình tử vong khi đi mò cua, bắt ốc, tắm kênh là tiếng chuông cảnh báo cho sự chủ quan, lơ là của người dân.
Đoạn suối Cầu Rào - nơi 2 mẹ con chị Dương Thị Yến ở xã Kỳ Hợp bị đuối nước trong lúc mò cua, bắt ốc vào ngày 15/6/2019
Ông Nguyễn Xuân Thái - Trưởng phòng Bảo trợ - Trẻ em - Bình đẳng giới Sở LĐ-TB &XH tỉnh cho biết: "Theo thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm, Hà Tĩnh xảy ra 12 vụ làm 11 người chết. Khác với những năm trước, năm nay, số vụ đuối nước không tăng nhiều nhưng nạn nhân không chỉ có trẻ em mà người lớn cũng chiếm rất nhiều; các vụ đuối nước tập thể tăng với tình tiết phức tạp hơn".
Những vụ đuối nước gần đây trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra ở vùng có lắm sông suối và nạn nhân phần lớn là người đã biết bơi, thường xuyên tiếp xúc với sông nước. Ở vùng sông nước, họ thường có suy nghĩ chủ quan, cho rằng mình bơi giỏi thì sẽ an toàn.
Thiếu sự giám sát của người lớn, trẻ con tắm suối cực kỳ nguy hiểm
Anh Hồ Sỹ Dũng (xã Hà Linh - Hương Khê) và nhiều người dân trong vùng làm nghề nông nhưng tranh thủ thời gian rảnh rỗi, thường ra bờ sông mò cua, bắt ốc, cào hến kiếm thêm thu nhập.
Anh Dũng cho biết: “Tùy mùa và tùy con nước nhưng chủ yếu chúng tôi đi vào buổi đêm, lúc tờ mờ sáng”. Khi được hỏi đi làm vào những thời điểm đó có nguy hiểm hay không, anh Dũng tự tin: “Hầu hết chúng tôi biết bơi cả mà, lo gì cô!”.
Đã quen với môi trường sông nước nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan
Chị Nguyễn Thị An (thôn Hạ, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) thường đi bắt cua ven sông Hộ Độ mang ra chợ bán lại. Chị cho biết: “Tôi đi với mấy người cùng xóm, thường thì 6 - 7 giờ tối đi đến đêm, có những hôm gần sáng mới về. Vất vả, thu nhập không nhiều nhưng không có nghề nghiệp ổn định, nhà 7 đứa con nên tôi vẫn phải theo nghề này thôi.”
Các vụ đuối nước xảy ra gần đây đều cho thấy, hầu hết các nạn nhân đều đã quen với môi trường sông nước, thế nhưng khi gặp tình huống nguy hiểm như trượt chân ngã, sụt vào hố sâu, vũng nước xoáy thì họ vẫn không đủ bình tĩnh và kỹ năng để xử lý tình huống. Nhất là khi xảy ra tình huống người thân đuối nước thì thường người còn lại chưa đủ kỹ năng để cứu đuối thành công, dẫn đến mất mát lại càng lớn hơn.
Mưu sinh vùng sông nước vào thời điểm đêm tối khiến người dân dễ gặp phải nguy cơ đuối nước (Ảnh: Nguyễn Tùng)
Thực trạng đáng lo là dù nhiều vụ đuối nước liên tục xảy ra, không ít người người dân vẫn không nhận thức đầy đủ để nâng cao ý thức, trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống đuối nước nguy hiểm cho con trẻ. Chứng kiến cảnh trẻ em tắm suối, nhảy cầu như “siêu nhân” tại một số huyện miền núi trên địa bàn Hà Tĩnh mà không có sự giám sát của người lớn, chúng tôi không khỏi rùng mình lo sợ cho sự an nguy của các em.
Chị Nguyễn Thị Nhung (xã Kỳ Thượng - Kỳ Anh) cho biết: “Trời nắng nóng nên chiều chiều, bọn trẻ con nhà tôi vẫn hay ra con suối đầu xóm tắm. Suối không quá sâu nên thường thì đứa lớn trông đứa bé.”
Nhiều hố sâu không được lấp hay che chắn là nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước với trẻ em
Không chỉ chủ quan trong việc mưu sinh, tắm lội, ở nhiều nơi, tình trạng giếng nước, bể nước, chum vại không có nắp đậy an toàn, công trình xây dựng không có rào chắn, không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc quá trình thi công… cũng diễn ra khá phổ biến.
Trên thực tế, giải pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đuối nước chính là ở ý thức tự bảo vệ mình của mọi người. Trang bị đầy đủ kỹ năng bơi lội, ứng phó với đuối nước và chủ động né tránh những nguy cơ là điều mà mỗi người cần hết sức coi trọng để tự bảo vệ mình và người thân khỏi những tai nạn đuối nước thương tâm.