Hàng loạt công trình kênh, mương thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh đang gặp tình trạng ứ đọng rác thải
Trong suốt quá trình đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi phát hiện hàng loạt công trình kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh ứ đọng rác thải, bốc mùi hôi thối. Tình trạng này làm hạn chế dòng chảy, ảnh hưởng đến việc dẫn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và gây ra những hệ lụy không nhỏ tới môi trường sống.
Đáng kể nhất, tuyến kênh N1 Đá Hàn đoạn qua xã Hòa Hải (Hương Khê) đang được xem là điểm nóng về ô nhiễm rác thải. Khảo sát trực tiếp trên tuyến kênh cho thấy, hầu như toàn bộ chiều dài kênh đều có dấu hiệu ô nhiễm, ngập tràn rác thải; dòng nước vốn để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp về cuối kênh chuyển màu đen ngòm.
Ông Nguyễn Kim An - cán bộ chuyên quản kênh N1 Đá Hàn (thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho hay, do người dân vứt rác bừa bãi với số lượng lớn nên tình trạng ô nhiễm rác thải trên tuyến kênh kéo dài từ nhiều năm nay. Việc ứ đọng rác thải không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành công trình thủy lợi mà còn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Tình trạng xả rác trên các công trình thủy lợi diễn ra ở hầu hết các địa phương. Tại Can Lộc - địa bàn quản lý của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, các điểm xi-phông Bãi Dịa (Mỹ Lộc), cống Kênh Giữa, cống Nhân Phong (Gia Hanh)... thường xuyên bị ách tắc rác thải sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Tùng (xã Ích Hậu, Lộc Hà) bức xúc: “Người dân quá thiếu ý thức khi vứt rác bừa bãi trên dòng sông Én (đoạn qua Can Lộc tiếp nối với Lộc Hà). Đến cầu Tùng Lộc (trên tỉnh lộ 7), nhiều lần rác thải kết hợp với bèo nên gây ách tắc dòng chảy và bốc mùi hôi thối”.
Nhiều điểm xi phông của các kênh dẫn nước trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh ách tắc lượng lớn rác thải như bao bì, chai, lọ, xác động vật và cả vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật…
Ngay TP Hà Tĩnh, tại các điểm xi-phông Hàm Nghi (qua trục đường Hàm Nghi), Vũ Quang (qua trục đường Vũ Quang) hay đoạn qua quốc lộ 1A… thuộc kênh N19 đều tồn ứ, ách tắc lượng lớn rác thải do bao bì, chai thủy tinh, xác động vật và cả vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật… khiến tốc độ dòng chảy bị ảnh hưởng lớn, dòng nước tưới có dấu hiệu ô nhiễm nặng.
Không chỉ rác thải sinh hoạt, các tuyến kênh mương còn phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý từ các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước. Điển hình như kênh chính đập Mục Bài, đoạn qua xã Hương Xuân (Hương Khê) có một số trang trại chăn nuôi lợn xả nước thải trực tiếp xuống kênh khiến dư luận bức xúc.
Một số tuyến kênh chỉ đi qua vùng sản xuất nông nghiệp (không phải khu dân cư) cũng có rất nhiều rác thải sinh hoạt do người dân cố tình vứt trộm.
Cách đây chưa lâu, một số trang trại chăn nuôi đã xả thải trực tiếp xuống hồ Vực Trống (Can Lộc). Hậu quả là nước hồ lâu dần chuyển màu xanh đục, đặc quánh, bốc mùi hôi thối kéo theo nhiều loại thủy sản biến mất; hàng ngàn hộ dân không có nước sạch sinh hoạt. Vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến mức, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Can Lộc và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (đơn vị quản lý hồ Vực Trống) đã phải vào cuộc, chỉ đạo kiểm tra và ra quyết định xử phạt 2 trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm.
Tương tự, nhiều hộ dân tại thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) thường xuyên mất mùa, năng suất thấp do chất thải chăn nuôi lợn của trang trại phía trên nguồn nước đập Khe Rồng khiến lúa bị tốt lốp. Riêng nguồn nước ở các khe suối nơi đây đã bị ô nhiễm nặng, thường xuyên bốc mùi khó chịu.
Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, trên địa bàn tất cả các huyện, thị trong tỉnh, có hàng trăm cá nhân, tổ chức có hành vi xả thải trên hơn 200 công trình thủy lợi do các đơn vị quản lý. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, nhưng theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chủ yếu là do ý thức của người dân và hoạt động xả thải của cơ sở SXKD gây áp lực đến môi trường của các tuyến kênh, mương.
(còn nữa)