Ông Trần Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Bánh đa nem Nhật Thành (thôn Tiến Giang, xã Đồng Môn) đã bén duyên với nghề làm bánh đa nem từ năm 2017. Ban đầu, ông dự định sẽ phát triển nghề theo cách làm thủ công truyền thống. Thế nhưng, ông luôn trăn trở về quy trình làm bánh đa nem lâu nay chưa đảm bảo vệ sinh, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, sản phẩm đầu ra chưa đồng nhất.
Năm 2022, ông Thành chủ động đến các làng nghề làm bánh nổi tiếng tìm hiểu và nhập dây chuyền máy tráng, hệ thống máy sấy hút nước tách ẩm. Ông bắt đầu xây dựng nhà xưởng để sản xuất bánh đa nem trên quy mô hơn 300m2 với hệ thống máy móc đồng bộ như: máy tráng, hệ thống sấy, máy hút chân không, máy xay bột với tổng đầu tư trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Ông Trần Văn Thành chia sẻ: “Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, chương trình OCOP cùng các chính sách đồng hành của TP Hà Tĩnh như: hỗ trợ truyền thông, định hướng phương án sản xuất, hoàn thành thủ tục hồ sơ, nhất là tạo điều kiện để cơ sở tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại… đã giúp chúng tôi thay đổi tư duy sản xuất truyền thống. Chúng tôi chú trọng làm đẹp mẫu mã, đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư mở rộng hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, đẩy mạnh phát triển đa dạng kênh bán hàng… Năm 2023, sản phẩm Bánh đa nem Thành Sen Nhật Thành của cơ sở được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, khép kín quy trình sản xuất với cơ bản 100% các khâu đều sử dụng máy móc. Hiện nay, công suất sản xuất ổn định trên 6.000 bánh/ngày, tiêu thụ trên nhiều thị trường trong nước…”.
Bánh đa nem là sản phẩm truyền thống đã được hình thành từ lâu, gắn liền với thôn Bình, xã Thạch Hưng. Toàn xã hiện có khoảng 80 hộ sản xuất bánh đa nem, doanh thu trên 31 tỷ đồng/năm. Nhờ hương vị đặc trưng, sản phẩm bánh đa nem của TP Hà Tĩnh không ngừng mở rộng ra các địa phương lân cận như: Đồng Môn, Thạch Quý…
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất bánh đa nem tại TP Hà Tĩnh vẫn gặp không ít bất cập khi quy mô sản xuất nhỏ, tính nhận diện thương hiệu hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao… Để hỗ trợ phát triển thương hiệu bánh đa nem của địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn ngành nghề truyền thống, TP Hà Tĩnh đã nỗ lực đồng hành cùng các cơ sở sản xuất xây dựng vị thế vững chắc cho sản phẩm, tập trung phát triển sản phẩm gắn với phát triển làng nghề, chương trình OCOP, từng bước đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường xuất khẩu.
Năm 2021, UBND tỉnh có quyết định công nhận làng nghề làm bánh đa nem thôn Bình, xã Thạch Hưng trở thành làng nghề truyền thống. Theo đó, UBND thành phố cũng ban hành phương án bảo tồn và phát triển làng nghề này với việc tập trung tổ chức, sắp xếp lại sản xuất theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm; gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch làng nghề; xúc tiến thương mại, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương.
Đồng thời, phối hợp với Sở KH&CN thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bánh đa nem Hà Tĩnh” cho sản phẩm bánh đa nem của TP Hà Tĩnh”. Đề án được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt vào tháng 9/2023. TP Hà Tĩnh trở thành chủ thể đứng tên đăng ký, đồng thời trở thành chủ sở hữu của nhãn hiệu chứng nhận “Bánh đa nem Hà Tĩnh”.
Thành phố cũng đã xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo gắn với tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo vùng nguyên liệu cho nghề sản xuất bún, bánh tại địa phương. Những định hướng của TP Hà Tĩnh đã thu hút không ít chủ sản xuất trẻ, đưa “hơi thở” hiện đại vào sản xuất bánh đa nem.
Năm 2021, sau khi trở về quê hương lập nghiệp, anh Nguyễn Duy Sơn (Thạch Hà) đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ, xây dựng cơ sở sản xuất bánh đa nem tại Cụm công nghiệp Thạch Đồng (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh). Đến nay, cơ sở đã xây dựng được thương hiệu bánh đa nem Thiên Sơn, sản xuất ổn định với gần 200.000 bánh/ngày.
Anh Sơn cho biết: “Tôi đã đầu tư trên 2 tỷ đồng mua sắm hệ thống máy làm bánh liên hoàn, tích hợp đầy đủ các quy trình từ xay gạo đến sấy bánh - một trong những công nghệ làm bánh đa nem mới nhất hiện nay. Sau 3 năm sản xuất ổn định, cộng với sự đồng hành của chính quyền, tôi nhận thấy sản phẩm này có tiềm năng để phát triển. Năm nay, tôi đầu tư thêm 1 dây chuyền công nghệ, tham dự chương trình OCOP để nâng cao độ nhận diện thương hiệu, chuẩn hóa sản phẩm từ việc lựa chọn vùng nguyên liệu đến đưa sản phẩm ra thị trường”.
Ông Lê Quang Nghiêm - Phó Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Hà Tĩnh cho hay, thành phố định hướng phát triển sản phẩm bánh đa nem trên nền tảng truyền thống lâu đời gắn với việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đại để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tìm kiếm, xây dựng các ý tưởng sản phẩm tốt để tham gia chương trình OCOP. Nhiều cơ sở đã chuyên môn hóa được quy trình sản xuất hiện đại; hoạt động nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu…, góp phần xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương phát triển bền vững hơn.