Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Thú y vùng 3 tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các con bò bị bệnh ở Lộc Hà. Ảnh tư liệu
Giữa tháng 10/2020, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được phát hiện đầu tiên tại tỉnh Lạng Sơn, sau đó tiếp tục phát sinh, lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch bệnh đầu tiên tại Lộc Hà, đến ngày 2/3/2021 đã có 62 xã thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã có trâu, bò mắc bệnh, với hơn 1.000 con, trong đó có 62 con đã bị chết, tiêu hủy.
Mặc dù ngành chuyên môn và các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhưng đây là dịch bệnh do virus lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam và chưa có vắc xin phòng bệnh; trong khi tổng đàn trâu, bò khá lớn, chủ yếu chăn thả chung, điều kiện chuồng trại chưa đảm bảo an toàn nên dịch bệnh dễ lây lan ra diện rộng.
Để hạn chế thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh với các nội dung trọng tâm sau:
1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo các chỉ thị, công điện của Bộ NN&PTNT, của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn. Thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ, thường xuyên các biện pháp, quyết tâm khống chế, dập tắt dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, để bảo vệ tài sản cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dịch bệnh đã làm 62 con trâu bò đã bị chết, phải tiêu hủy.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm đến từng cán bộ, đảng viên và người chăn nuôi để tự giác chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Hạn chế tối đa việc chăn thả chung, thiếu kiểm soát. Tập trung bảo vệ đàn vật nuôi, chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục sau khi dịch bệnh được khống chế.
3. Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và các loại dịch bệnh khác như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm... là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, quyết liệt trong thời điểm hiện nay, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Các cấp ủy, chính quyền, MMTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần đưa nội dung này vào chương trình, kế hoạch công tác hằng tuần, hằng tháng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện.
UBND các cấp chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ vắc xin, hóa chất, vật tư, dụng cụ đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời triển khai thực hiện tiêm phòng vắc xin bao vây chống dịch theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Lộc Hà tiêm thí điểm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Tổ chức kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
4. Các đồng chí trưởng các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các thành viên thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo địa phương thực hiện kịp thời, nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.
Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công điện, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.