Canh tác trên diện tích 2 ha mặt nước với 5 hồ nuôi tôm, vụ này, ông Nguyễn Văn Tranh ở thôn Tân Quý (xã Hộ Độ) thả hơn 40 vạn con tôm giống. Nhờ dày công chăm sóc nên thời điểm này, số tôm nói trên đã đạt tiêu chuẩn xuất bán.
Tuy nhiên, gần 2 tuần nay, số lượng khách thu mua giảm hẳn khiến vợ chồng ông Tranh như “ngồi trên lửa”.
Trang trại nuôi tôm rộng 2 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Tranh (thôn Tân Quý, xã Hộ Độ)
Ông Nguyễn Văn Tranh chia sẻ: “Sau vụ tôm bị mất trắng do lũ lụt hồi tháng 10/2020, chúng tôi dồn hết hy vọng vào vụ này. Hàng trăm triệu đồng tiền giống, thức ăn, tiền công đều đi vay ngân hàng, giờ tôm đến lúc thu hoạch nhưng không tiêu thụ được, chúng tôi hết sức lo lắng mà chưa biết làm thế nào”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tranh đang cần xuất bán khoảng 3,5 tấn tôm.
Theo ông Tranh, qua khảo sát và thu hoạch “bói”, ước tính sản lượng tôm vụ này của gia đình đạt khoảng 3,5 tấn. Hiện, tôm đã đạt tuổi trưởng thành sau hơn 3 tháng thả giống. Do thời tiết khá khắc nghiệt nên so với mọi năm, tôm chỉ đạt mức lớn nhất là 80-90 con/kg, nhỏ hơn là 120-130 con/kg.
Giá bán đầu mùa đạt 120 ngàn đồng/kg đối với loại lớn và 90-100 ngàn đồng loại nhỏ hơn. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát thì giá hạ xuống chỉ còn 80-100 ngàn đồng/kg nhưng người mua thưa thớt. Từ đầu vụ đến nay, ông Tranh chỉ mới bán được khoảng hơn 2 tạ tôm.
Do thời tiết khá bất lợi nên tôm năm nay kích cỡ lớn nhất chỉ đạt 80-90 con/kg, loại thường 120-130 con/kg.
Gia đình bà Nguyễn Thị Đồng (thôn Tân Quý, xã Hộ Độ) cũng hết sức lo lắng khi khoảng 8 tạ tôm đang nằm trong hồ sau cả vụ nuôi trồng chưa biết sẽ thế nào.
Bà Đồng cho hay: “Nuôi tôm vốn rất khó, rất dễ bị bệnh; thời tiết mùa hè nếu lỡ mất điện mấy tiếng, máy sục khí không hoạt động được cũng có khi mất trắng cả hồ tôm. Mặt khác, thời điểm này tôm không lớn được nữa, kéo dài thời gian tốn thêm tiền thức ăn, công chăm... mà thêm ngày nào thì chúng tôi thêm bất an ngày đó".
Trước đây, thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của HTX Hạ Voọc là TP Hà Tĩnh và thị trấn Lộc Hà thì nay, hai địa phương này đều thiết lập vùng cách ly y tế nên các tiểu thương ở đây không đến được. Mặt khác, dịch bệnh bùng phát, người dân hạn chế ra ngoài và cũng không còn tổ chức linh đình cưới hỏi, giỗ chạp... nên nhu cầu cũng ít đi.
Bà Nguyễn Thị Đồng lo lắng khi cả ngày đợi vẫn không có khách đến mua tôm
HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Voọc (xã Hộ Độ) có 43 thành viên, tổng diện tích nuôi trồng đạt gần 50 ha, chủ yếu là nuôi các loại tôm, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng... Hiện nay, tôm thẻ chân trắng đang đến kỳ thu hoạch, diện tích khoảng 17 ha, sản lượng ước đạt hơn 15 tấn.
Ông Trương Quang Lộc - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Voọc bày tỏ: "Hơn 15 tấn tôm là công sức và hy vọng của bà con sau thời gian dày công chăm sóc, trong đó các hộ đều vay vốn ngân hàng để đầu tư. Vì vậy, tôm không tiêu thụ được khiến nhiều người như “ngồi trên lửa”.
Chúng tôi mong chính quyền cũng như các tổ chức, đoàn thể và bà con các địa phương có thể giúp đỡ người nuôi tôm vượt qua khó khăn lúc này. Có như thế chúng tôi mới có cơ hội để đầu tư tái sản xuất trong thời gian tới".
Cánh đồng nuôi tôm rộng 50 ha của HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Voọc (xã Hộ Độ, Lộc Hà)
Bên cạnh tăng cường phòng, chống Covid-19, duy trì ổn định sản xuất là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chúng ta xác định sống chung với dịch bệnh lâu dài, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, cụ thể là “giải cứu” tôm cho các hộ nuôi trồng ở HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Voọc hiện nay rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, các đoàn thể và người dân.