Được giao quản lý di tích cấp quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác theo hình thức xã hội hóa, nhưng nhiều năm nay, Công ty TNHH Quý Gia phục vụ du khách không thu tiền. Dù chưa có nguồn thu nào đáng kể, nhưng với ý thức và trách nhiệm của mình, doanh nghiệp đã bố trí nhân lực trông coi thường xuyên và đầu tư thêm 2 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp tường rào, sân khấu, sân lễ hội, nhà làm việc và một số hạng mục khác. Nhờ vậy, cảnh quan di tích luôn xanh - sạch - đẹp, các hoạt động tín ngưỡng được tổ chức trang trọng và chu đáo...
Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông (xã Sơn Trung) được quản lý, khai thác một cách hiệu quả
Việc tôn tạo, bảo vệ di tích cũng được nhân dân và dòng họ thực hiện tốt tại nhà thờ và mộ cụ Đào Đăng Đệ (Sơn Bằng). Đây là di tích lịch sử cấp tỉnh, được xây dựng từ đầu thế kỷ 18 nên bị thời gian, chiến tranh, thiên tai tàn phá, ngày càng xuống cấp. Cách đây gần một năm, khi được tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng để trùng tu, nâng cấp, con cháu dòng họ đã họp bàn và huy động công sức, tiền của thêm được gần 700 triệu đồng để xây hạ điện, cổng, ngõ, khuôn viên. Giờ đây, quần thể di tích này đã khang trang, sạch đẹp, dòng họ vui mừng, con cháu phấn khởi...
Khuôn viên nhà thờ Đào Đăng Đệ (Sơn Bằng) được nhà nước, con cháu trùng tu, nâng cấp
Ông Phạm Kim Tuyến - Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng cho hay: Trên địa bàn xã có 14 đền, chùa, miếu, nhà thánh và 20 nhà thờ họ có niên đại từ 100-500 năm, trong số này có 5 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Với ý thức cao trong bảo vệ di tích, các công trình văn hóa cha ông để lại, người dân, con cháu trong các dòng họ đã đóng góp tiền của, ngày công để tôn tạo, giữ gìn. Nhờ vậy, các di tích, công trình đã được quản lý, bảo vệ và phát huy tốt hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân trên địa bàn...
Cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, nhân dân xã Sơn Hòa đang huy động công sức, tiền của, chuẩn bị vật liệu để trùng tu, sửa chữa di tích đền Gôi Vị
Trên địa bàn Hương Sơn hiện có 11 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh; 35 ngôi chùa, 100 đình, đền, miếu và hàng chục nhà thờ các dòng họ có niên đại trên 100 năm chưa được xếp hạng. Ngoài nguồn đóng góp, công đức để tu sửa, nâng cấp thường xuyên, trong 5 năm gần đây Hương Sơn đã thực hiện xã hội hóa được hơn 32 tỷ đồng để trùng tu, nâng cấp các di tích đã được xếp hạng. Nhiều di tích được sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn xã hội hóa nay đã trở thành những địa chỉ văn hóa, tâm linh quan trọng như: Đền Phúc Lai (Sơn Bằng), chùa Nhiễu Long (thị trấn Phố Châu), đền Đức Mẹ và chùa Côn Sơn (Sơn Tiến)...
Ông Lê Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Các xã, thị trấn đã thành lập được ban quản lý di tích, thực hiện tốt công tác kiểm kê và thường xuyên rà soát, thống kê các di tích xuống cấp, hư hỏng để báo lên cấp trên có kế hoạch tu sửa. Đặc biệt, các địa phương đã tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ và thực hiện xã hội hóa trong huy động nguồn lực để giữ gìn các di tích...