“Nếu như khoảng 3 tuần trước, giá lợn hơi tại Hà Tĩnh chạm mốc 53.000 đồng/kg thì nay đã giảm xuống còn 41 - 42 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi biến động giảm chủ yếu do dịch COVID-19 khi nhu cầu tiêu thụ không cao, việc vận chuyển khó khăn… Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành đang ghi nhận dịch tả lợn châu Phi cũng ảnh hưởng phần nào đến thị trường tiêu thụ của thịt lợn”, ông Phan Quý Dương - Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin.
Nhiều trại nái sinh sản đang loại thải những con nái kém chất lượng và giảm phối giống cho đàn nái nhằm giảm số lượng lợn giống.
Thực tế cho thấy, người chăn nuôi lợn nói chung và người chăn nuôi lợn nái sinh sản nói riêng ở Hà Tĩnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: giá thức ăn chăn nuôi tăng trên 35%, chi phí phòng chống dịch bệnh tăng khoảng 20%, trong khi giá lợn hơi đang quay đầu giảm khiến cho đầu ra của lợn giống “nhỏ giọt”.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, các chủ nuôi lợn nái buộc phải loại thải những con nái kém chất lượng, đồng thời giảm phối giống cho đàn nái nhằm giảm số lượng lợn giống sản xuất hằng tháng.
Trang trại của ông Nguyễn Huy Thái đang giảm phối giống cho đàn nái để tiến tới giảm khoảng 100 con giống/tháng.
Hơn một năm nay, trang trại chăn nuôi lợn nái của ông Nguyễn Thái Huy (xã Đức Lạng, Đức Thọ) đã phải giảm quy mô đàn lợn nái sinh sản từ 650 con xuống còn 350 con.
Ông Nguyễn Thái Huy cho hay: “Mặc dù trang trại đã chủ động giảm đàn nái nhưng hiện nay tình hình vẫn đang rất khó khăn. Tính ra, chi phí sản xuất một con giống khoảng 1,5 triệu đồng nhưng hiện nay chúng tôi chỉ xuất bán được với giá 1 triệu đồng/con.
Giai đoạn này, giá lợn hơi ở Hà Tĩnh lại quay đầu giảm (hiện dao động từ 41.000 - 42.000 đồng/kg), cơ sở “bí” đầu ra đối với con giống. Để giảm chi phí thức ăn và phòng dịch, chúng tôi vừa loại thải khoảng 10 con nái kém chất lượng; mặt khác, đang giảm phối giống cho đàn nái để tiến tới giảm khoảng 100 con giống/tháng. Tới đây, nếu giá lợn hơi tiếp tục “lao dốc”, trang trại sẽ giảm tiếp đàn nái xuống còn gần 300 con”.
Đối phó với “sức nóng” của giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thú y và hóa chất phòng dịch, từ đầu năm lại nay Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) đã giảm khoảng 200 con lợn nái sinh sản. Trong bối cảnh đầu ra của lợn giống khó khăn, HTX này đang rà soát lại tổng đàn nái để tiếp tục loại thải.
HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc hiện đang giảm từ 500 xuống còn 350 con giống/tháng.
Ông Trương Xuân Bính – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc cho biết: “Lợn giống bán ra khó đã đành, giá lại thấp, cứ mỗi con xuất bán, cơ sở chúng tôi phải chịu lỗ trên 300.000 đồng. Bởi vậy, giảm số lượng lợn giống sản xuất hằng tháng là giải pháp chúng tôi lựa chọn để tránh thua lỗ nặng nề trong bối cảnh hiện nay. Trước đây, mỗi tháng chúng tôi sản xuất khoảng 500 con giống nhưng hiện nay phải tiết giảm xuống còn 350 con giống/tháng”.
Theo ghi nhận, không chỉ các trang trại của tư nhân, tổ hợp tác, HTX mà hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn cũng đã tính đến phương án giảm đàn nái sinh sản để tránh thua lỗ quá lớn.
Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh đang rà soát lại tổng đàn nái, tính toán để giảm lượng lợn giống sản xuất hằng tháng.
Ông Mai Khắc Mại - Giám đốc Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh (xã Phú Lộc – Can Lộc, thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) thông tin: “Doanh nghiệp hiện đang nuôi 2.500 con nái sinh sản, mỗi tháng sản xuất từ 3.000 - 4.000 con lợn giống. Chi phí phục vụ chăn nuôi “leo thang”, trong khi giá lợn hơi xuống thấp, công ty không thể tiêu thụ lợn giống, đành phải chuyển số lợn giống sang nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ chăn nuôi thiếu trầm trọng do vậy chúng tôi đang tiến hành rà soát lại tổng đàn, cân đối, tính toán để giảm đàn nái phù hợp với tình hình thực tiễn”.
Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản với quy mô khoảng 46.125 con nái. Hiện nay, chi phí phục vụ sản xuất tăng cao trong khi giá lợn hơi giảm sâu, con giống khó tiêu thụ nên nhiều cơ sở chăn nuôi lợn nái đang có xu hướng giảm đàn cũng là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, các cơ sở chăn nuôi lợn nái cũng cần xem xét, đánh giá lại tín hiệu thị trường, từ đó có phương án điều tiết đàn nái sinh sản cho phù hợp gắn với kế hoạch duy trì và bảo vệ an toàn đàn nái để khi thị trường tốt lên mới có thể đảm bảo nguồn cung cho thị trường”.
Các trại nái cần có phương án điều tiết đàn nái sinh sản để đảm bảo nguồn cung khi thị trường tốt lên.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến trên nhiều địa bàn, thời tiết chuyển rét; do vậy, các cơ sở chăn nuôi lợn cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chủ động giữ ấm cho vật nuôi và tăng sức đề kháng cho vật nuôi qua thức ăn và các loại thuốc bổ...