Các cơ sở trồng trọt nhỏ lẻ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc, đúng cách
Chị Phan Thị Nhụy – Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, cho biết: Hương Sơn là địa phương triển khai khá nghiêm túc Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT ban hành Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh ban đầu nhỏ lẻ tại các địa phương. Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn cho các hộ được triển khai đồng bộ. Toàn huyện hiện có 4788 hộ sản xuất kinh doanh ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết, trong đó sản phẩm chủ yếu là cam, khoai, gà, vịt, lợn, hươu...
Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện, việc đăng ký cơ bản thực hiện tốt nhưng việc quản lý, kiểm soát sau đó thì gặp nhiều khó khăn. Trước hết, chính quyền địa phương cấp xã chưa đủ lực lượng, trình độ để thường xuyên kiểm tra các hộ đã ký cam kết. Mặt khác, sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc vào thời vụ nên khi cơ quan chức năng đến kiểm tra không có hàng hóa hoặc đã bán hết.
Giống vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, được tiêm phòng các bệnh theo hướng dẫn của cán bộ chăn nuôi, thú y.
“Hầu hết các xã đều cho rằng, chỉ khi phát hiện cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn vi phạm thấy rõ như: bốc mùi hôi thối tại các cơ sở chăn nuôi hay vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vứt bừa bãi gây ô nhiễm cho sản phẩm và khu vực sản xuất... thì mới tiến hành nhắc nhở" - chị Nhụy chia sẻ
Ông Trịnh Quang Luật - Phó phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho rằng: Theo quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết về sản xuất thực phẩm an toàn với thời hạn là 3 năm/lần. Nhưng trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang chiếm phần lớn, ý thức người dân và hộ kinh doanh chưa cao, cán bộ phụ trách lĩnh vực này còn thiếu và yếu, kinh phí đầu tư cho hoạt động này lại “khiêm tốn"...
Theo quy định, không được sử dụng chất thải để nuôi trồng thủy sản.
Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong trồng trọt, thuốc thú y, hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi thủy sản vẫn diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản Hà Tĩnh - Phan Văn Dũng cho biết: Phần lớn các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ chưa nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật về ATTP, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT quy định về điều kiện bảo đảm ATTP và phương thức quản lý đối với các sở này. Toàn tỉnh hiện có 28.591 cơ sở sản xuất thực phẩm ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục kiểm tra đột xuất thì phát hiện 33 cơ sở chưa đạt yêu cầu và đã giao chính quyền địa phương hướng dẫn, kiểm tra các hộ khắc phục các lỗi, nếu các hộ không chấp hành, lập biên bản đình chỉ hoạt động.
Nguồn nước biển, nước mặn sử dụng để sản xuất muối không bị ô nhiễm, bảo đảm an toàn thực phẩm
Cũng theo ông Dũng, quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ chính là hình thức đảm bảo ATVSTP từ gốc, là mắt xích đầu tiên trong chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Vì vậy, ngành chức năng, các cấp địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện cơ sở vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, lần 2 sẽ công khai cơ sở vi phạm, còn từ 3 lần trở lên thì tùy mức độ vi phạm tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định.