Phố mùa này không còn… như sông!
2 đợt mưa lớn vào trung tuần tháng 9 vừa qua được xem như “phép thử” đối với hệ thống thoát nước của thành phố Hà Tĩnh sau khi được cải tạo, nâng cấp. Các tuyến đường: Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thị Minh Khai… không còn tình trạng ứ đọng nước; những điểm thấp lụt như: đầu đường Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông… (đang trong thời gian thực hiện cải tạo, nâng cấp) có ngập cục bộ tại thời điểm mưa dồn dập nhưng mức độ không nghiêm trọng và thời gian tiêu thoát nhanh hơn rất nhiều so với trước đây. Điều này đã khiến nhiều người dân thành phố khá hài lòng.
Chị Trần Thị Thảo (ngõ 6, đường Phan Đình Phùng) cho biết: “Trước đây, hầu như năm nào con ngõ này cũng ngập sâu vì nằm trong vùng trũng; hệ thống cống thoát nước lại thu nhận thêm nguồn nước từ tuyến đường chính Phan Đình Phùng đổ về nên quá tải. Thế nhưng, sau đợt mưa đầu mùa vừa rồi, tình hình thoát nước được cải thiện hẳn, nước thoát nhanh, không còn đọng trên mặt đường”.
Theo ông Tô Thái Hòa - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Hà Tĩnh, hiện nay, thời tiết ngày càng cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó tình trạng ngập lụt là thách thức với tất cả các đô thị trên cả nước. Thành phố Hà Tĩnh được bao quanh bởi 3 con sông, phía thượng nguồn có những hồ chứa nước lớn; trong khi địa hình có cao độ nền thấp lại chịu ảnh hưởng của triều cường. Bên cạnh đó, cùng với thời gian phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, hạ tầng thoát nước đầu tư từ nhiều năm, chưa được đồng bộ càng làm cho vấn đề ngập lụt trở thành thách thức lớn, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Trận lụt lịch sử năm 2020, 100% phường, xã bị ngập lụt trung bình từ 0,5 - 1m, có những vị trí ngập sâu trên 2m, kéo dài trong nhiều ngày. Trước thực trạng này, thành phố Hà Tĩnh đã nghiên cứu xây dựng và phê duyệt đề án tăng cường khả năng thoát nước tổng thể thành phố, làm cơ sở cho việc xác định, lựa chọn các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống thoát nước phù hợp theo từng giai đoạn; đồng thời phục vụ công tác lập, quản lý các quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư về lĩnh vực thoát nước trên địa bàn.
Thời gian qua, cùng với việc tập trung chỉnh trang đô thị, thành phố Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn lực lớn để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước đồng bộ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về tiêu thoát nước; tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống mương ở khu vực trung tâm; xử lý, cải tiến công nghệ các hố thu, cửa xả, các khu vực tổn thất đến năng lực thoát nước của đô thị…
Các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương chủ động vận hành hệ thống điều tiết, mở cống xả hết nước cuối nguồn trước dự báo mưa lớn và đóng cống để ngăn triều cường khi trên địa bàn đang diễn biến mưa lớn. Với các giải pháp linh hoạt, tình trạng ngập lụt của thành phố Hà Tĩnh trong thời gian qua đã được giải quyết đáng kể.
Tiếp tục cải thiện, nâng cao khả năng thoát nước đô thị
Ông Tô Thái Hòa cho biết: “Hiện nay, Phòng Quản lý đô thị thành phố đang tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước ở một số tuyến đường chính như: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Xuân Diệu… để từng bước cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các khu vực; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thoát nước trên địa bàn để tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa phù hợp với quy hoạch đô thị.
Về giải pháp lâu dài, thành phố tiếp tục lồng ghép tối đa các nguồn lực trong việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước đồng bộ với đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Đặc biệt, dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh” với tổng vốn hơn 142 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA đang triển khai sẽ là giải pháp bền vững giảm thiểu ngập lụt, phát triển giao thông liên kết vùng và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống người dân, phát triển đô thị bền vững, tạo động lực để phát triển KT-XH toàn diện. Ngoài ra, dự án tăng cường khả năng thoát lũ hạ du Kẻ Gỗ sẽ hoàn thiện hệ thống đê bao tại thành phố Hà Tĩnh, tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt và tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp”.
Cùng với đó là các giải pháp “mềm” hóa trong phát triển đô thị, hướng tới tăng trưởng xanh, sinh thái. Tiếp tục tuyên truyền để phát huy ý thức cộng đồng trong việc thích ứng, phòng chống ngập lụt đô thị. Mỗi người dân cần có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy hoạch xây dựng, đô thị để không ngăn cản dòng chảy thoát nước; vào những thời điểm mưa lớn, chủ động thu gom, khơi thông hố ga, mương thoát nước…; huy động nguồn lực xã hội hóa từ Nhân dân thực hiện nạo vét, khơi thông cống rãnh…