Sau khi xem xét hồ sơ, cán bộ ở đây cập nhật thông tin vào máy tính rồi in cho tôi tờ giấy hẹn, còn cẩn thận dặn thêm: “Hôm sau, theo ngày hẹn, bác nhớ mang giấy này đến nhận nhé!”.
Ảnh minh họa từ internet
Tôi ra về với tâm trạng phấn khởi, nghĩ rằng, việc thực hiện cải cách hành chính thật tiện lợi cho người dân, không phải như trước, muốn xin giấy tờ gì phải đi năm lần bảy lượt, lần thì “bận họp”, lần thì “đi vắng”, bây giờ, ngày nào cũng có người trực.
Theo giấy hẹn, 10 ngày sau, tôi đến lấy kết quả, thế nhưng, chưa được, cán bộ trực hướng dẫn tôi về bổ sung hồ sơ thêm giấy X., rồi lại hẹn 10 ngày nữa tới lấy kết quả!
Tương tự như vậy, khi đi làm thủ tục cho con tại phòng giao dịch một cửa ở huyện Y., tôi cũng lường trước rằng, hồ sơ ấy khi cấp trên xét duyệt cũng còn thiếu giấy X., nên đã chủ động đến bổ sung hồ sơ. Tôi đinh ninh lần này thì hồ sơ ở huyện Y. sẽ đầy đủ, không bị trả về và phải mất công đợi thêm hơn 10 ngày nữa. Không ngờ, đúng hẹn, hồ sơ còn thiếu giấy S…
Cả 2 phòng giao dịch một cửa của cấp huyện đều xử lý hồ sơ cho người dân như vậy, bất giác, tôi chợt nghĩ đến câu khẩu hiệu được đưa ra những năm 1960 “sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”, ý muốn nhắc nhở mọi người muốn sản xuất phát triển thì phải nâng cao trình độ văn hóa cho người lao động. Từ đó, chúng tôi thấy, để xử lý hồ sơ cho nhân dân ở phòng giao dịch một cửa chính xác, giảm sự phiền hà cho nhân dân, không phải chờ đợi lâu ngày và đi lại nhiều lần, cần bố trí cán bộ trực có trình độ, năng lực để thẩm định hồ sơ, tránh bị nhân dân phàn nàn “một cửa nhưng nhiều khóa” hay “một cửa nhưng phải có chìa để mở”!
Bên cạnh đó, lãnh đạo các phòng khi duyệt hồ sơ cần thống kê số lượng hồ sơ bị trả của các cán bộ tiếp nhận, từ đó, phê bình, nhắc nhở và xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, viên chức.