Bưởi Phúc Trạch năm nay ra hoa đúng lịch thời vụ, hứa hẹn mùa vụ bội thu.
Đã thành thông lệ, cứ độ sang xuân, cây bưởi đặc sản ở huyện miền núi Hương Khê bắt đầu nở rộ, người dân quê bưởi lại sắp xếp việc đồng áng để thụ phấn bổ sung, giúp bưởi kết trái.
Thời gian của mùa thụ phấn bổ sung sẽ kéo dài khoảng 1 tháng (trong tháng Giêng âm lịch). Vì thế, thời điểm này, người dân phần lớn dành thời gian ở vườn, vừa tiến thành thụ phấn vừa chăm sóc cây. Tuy nhiên, trong đợt này, thời tiết chuyển rét và mưa nhiều khiến công tác thụ phấn bổ sung của người dân gặp không ít khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hương (thôn 2, xã Phúc Trạch) tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch.
Từ đợt ra tết Nguyên đán đến nay, cứ vào ngày đẹp trời, 3 thành viên gia đình chị Nguyễn Thị Hương (thôn 2, xã Phúc Trạch) lại hái hoa bưởi chua, bỏ vào ống nhựa rồi quàng vào trước ngực đi khắp vườn để thụ phấn cho cây bưởi đường.
“Năm nay, bưởi Phúc Trạch nở hoa ngay sau dịp Tết Nguyên đán, đúng mùa vụ nên chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, những ngày qua do mưa rét kéo dài nên việc thụ phấn gặp khó khăn. Hơn nữa, người dân cũng gặp tình trạng khan hiếm hoa bưởi chua (dùng để lấy phấn). Bởi vậy, những ngày thời tiết thuận lợi, cả gia đình cùng ra vườn, tranh thủ hết công suất để kịp thụ phấn cho bưởi. Hoa bưởi chua thì xin, vay mượn của người thân hoặc các gia đình khác trong thôn”, chị Hương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thân ở thôn 1, xã Hương Đô cũng thường xuyên ra vườn với tinh thần khẩn trương nhất để thụ phấn cho cây bưởi Phúc Trạch.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thân ở thôn 1, xã Hương Đô cũng thường xuyên ra vườn với tinh thần khẩn trương nhất nhằm tranh thủ được thời gian thụ phấn cho cây bưởi Phúc Trạch. Chị Thân cho hay, với hơn 130 gốc bưởi đang trong độ tuổi thu hoạch, trong khi gia đình chỉ có 2 lao động nên những ngày qua mọi người phải làm việc cật lực để thụ phấn kịp thời vụ.
“Việc thụ phấn sẽ quyết định năng suất của cả mùa vụ trong khi cây bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực, mang hiệu quả kinh tế lớn nhất của người nông dân nên chúng tôi rất chú trọng đầu tư, chăm bón. Thông thường, trong khoảng thời gian 1 tháng, cây bưởi sẽ nở hoa 3 đợt, hy vọng các đợt sau thời tiết sẽ thuận lợi hơn” - chị Thân chia sẻ.
Để thụ phấn, người dân sử dụng phấn hoa cây bưởi chua quét lên nhuỵ hoa cây bưởi đường.
Ông Võ Tá Tài, cán bộ Cơ sở Bảo tồn bưởi Phúc Trạch (xã PhúcTrạch, Hương Khê) cho biết, thụ phấn bổ sung là kỹ thuật cơ bản, người dân sử dụng phấn hoa cây bưởi chua quét lên nhuỵ hoa cây bưởi đường (bưởi chua là cây trồng bằng phương pháp gieo hạt; bưởi đường là cây bưởi nhân giống bằng cách cắt, chiết mắt của cây bưởi Phúc Trạch). Trong thời gian thời tiết bất lợi do mưa rét, người dân nên hái hoa bưởi chua sớm và dùng bóng đèn sấy khô để hoa tung phấn, từ đó việc thụ phấn sẽ có hiệu quả hơn.
Qua các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, người dân đã biết cách phòng trừ bệnh dịch đúng cách, hạn chế lượng bưởi chết do các loại sâu, nấm. Ở giai đoạn ra hoa, trong trường hợp gặp sâu, bệnh thì người dân chỉ sử dụng các phương pháp phòng trừ sinh học. Đồng thời, bà con cũng tập trung theo dõi và khắc phục hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sương muối; chuẩn bị phân bón để bón thúc…
Theo ông Võ Tá Tài, trong lúc thời tiết bất lợi do mưa rét, người dân nên hái hoa bưởi chua sớm và dùng bóng đèn sấy khô để hoa tung phấn, từ đó việc thụ phấn sẽ có hiệu quả hơn.
Việc thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch không ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị hay độ ngọt của tép bưởi Theo Tiến sỹ Vũ Việt Hưng - Trưởng bộ môn Cây ăn quả (Viện Nghiên cứu rau quả), với quá trình thụ phấn, mọi biến đổi đều xảy ra ở hạt (nếu đem hạt của quả bưởi có thụ phấn để gieo trồng thì không còn là giống bưởi Phúc Trạch). Còn tép quả được quy định theo bản chất di truyền của giống sẽ không bị ảnh hưởng. Bởi vậy, người dân hoàn toàn yên tâm khi thực hiện thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch. Không chỉ bưởi Phúc Trạch, nhiều giống bưởi khác hay giống cây ăn quả khác ở nước ta cũng đang sử dụng phương pháp thụ phấn bổ sung để đảm bảo năng suất. |