Ảnh hưởng của các đợt mưa lớn trong những ngày qua, bà con ở thôn 5, xã Xuân Lĩnh, Nghi Xuân lại “đứng ngồi không yên”, tất tả lo chạy lụt.
Bà Dương Thị Oanh ở thôn 5 chủ động kê tài sản lên cao khi vào mùa mưa lũ
Bà Dương Thị Oanh ở thôn 5 cho biết: “Biết sẽ có mưa lớn nên tôi chủ động gác đồ đạc lên cao vì nếu chần chừ sẽ không kịp trở tay. Chỗ tôi ở thường xuyên bị ngập sâu, năm 2010, nước dâng cao hơn 2 m phải đi sơ tán cả tuần. Bởi vậy, chúng tôi lo lắm. Hầu như năm nào vào tầm này, gia đình cũng phải chủ động lương thực, thực phẩm và đồ dùng cá nhân để sơ tán lên chỗ an toàn khi chính quyền địa phương yêu cầu”.
Theo người dân nơi đây, do thường xuyên bị ngập úng nên nhiều người dân ở thôn 5 phải nâng nền nhà lên cao từ 1 - 2 m. “Tôi đầu tư 80 triệu đồng xây nhà cho gia súc, chi phí cao hơn bình thường vì phải nâng nền lên cao gần 2m để chống ngập, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi” - ông Võ Văn Toán, cùng thôn 5 chia sẻ.
Ông Võ Văn Toán phải nâng nên nhà cho gia súc lên cao gần 2 m để chống ngập. Ảnh chụp trước ngày 9/9
Qua tìm hiểu, nguyên nhân ngập cục bộ ở thôn 5, xã Xuân Lĩnh kéo dài trong nhiều năm qua là do địa hình thấp trũng, khi mưa xuống nước từ thượng nguồn đổ về khiến cả khu vực như điểm trữ nước. Trong khi đó tuyến kênh chính làm nhiệm vụ tưới nước phục vụ sản xuất và tiêu úng cho khu vực thôn 5 từ Giảng Đường đến eo Cơn Trường (trên địa bàn của thôn) xuống cấp, thoát lũ chậm.
Ông Võ Văn Khoa - Trưởng thôn 5 cho biết: Tuyến kênh chính trên có chiều dài gần 2km với chức năng tưới nước cho sản xuất (35 ha) và tiêu úng, thoát lũ cho toàn bộ khu vực thôn 5. Tuy nhiên, tuyến kênh được làm bằng đất lâu năm, lại bị sạt lở ngăn cản dòng chảy nên không phát huy được tác dụng. Toàn thôn có hơn 150 hộ, trong đó có 80 hộ thường xuyên bị ngập lụt từ 0,5 - 2m buộc phải tính đến phương án sơ tán dân.
Tuyến kênh tiêu úng, thoát lũ chậm gây ngập cục bộ cho người dân thôn 5
Cũng theo ông Khoa, người dân trong thôn năm nào cũng phải đóng góp hơn 20 triệu đồng thuê máy đào, bỏ công nạo vét, khơi thông dòng chảy cho tuyến kênh. Thế nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Hằng năm, xã, thôn đều tuyên truyền người dân chủ động kê cao tài sản, đồng thời xây dựng phương án sơ tán cho hơn 40 hộ dân có khả năng ngập cao lên chỗ an toàn trước khi nước lũ về.
Nhiều chỗ trên tuyến kênh bị sạt lở ngăn cản dòng chảy, tiêu thoát nước.
Xem đây là vấn đề bức thiết, nhiều năm qua, người dân thôn 5 cũng đề xuất với huyện trong các cuộc tiếp xúc cử tri quan tâm bố trí nguồn vốn để kiên cố hóa tuyến kênh. Song, nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, vì vậy, tuyến kênh này đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.
Ông Hà Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh cho biết: "Trong 2 ngày mưa lớn vừa qua, mặc dù trên địa bàn chưa xảy ra hiện tượng ngập úng tại nhà dân, song, nước ở các vùng đồng đã đầy, khả năng tiêu thoát nước đã ách tắc nay lại càng khó khăn hơn. Mùa mưa lũ mới chỉ bắt đầu, nguy cơ ngập úng ở thôn 5 đang là nỗi lo của chính quyền địa phương và bà con nhân dân. Về lâu dài, việc đầu tư sửa chữa, kiên cố tuyến kênh nội đồng trên địa bàn thôn 5 là công trình cấp bách. Rất mong các các cấp, các ngành quan tâm sớm đầu tư xây dựng tuyến kênh chính nhằm phát huy được chức năng tưới tiêu đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân khi vào mùa mưa lũ.