Ông Tuy, bà Nuôi tuổi đã ngoài 80, sức khỏe già yếu nhưng vẫn đang chăm sóc người con 40 tuổi bị tâm thần do di chứng của chất độc da cam.
Tuổi đều đã ngoài 80, sức khỏe yếu nhưng ông Nguyễn Văn Tuy, bà Nguyễn Thị Nuôi ở thôn Đông Văn, xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) vẫn đang hằng ngày chăm sóc con trai 40 tuổi bị tâm thần do di chứng chất độc da cam.
Ông Tuy là thương binh hạng ¾, bị cụt một chân, không có sức lao động. Nỗi đau lớn hơn khi con trai là Nguyễn Văn Lành (40 tuổi) bị bệnh. Không ít lần anh Lành đuổi đánh cả bố mẹ, người thân trong nhà, đốt cháy nhà ở của gia đình.
Anh Lành đã 40 tuổi nhưng chẳng được sống như người bình thường mà phải nhốt vào phòng khóa trái cửa.
Bởi vậy, dẫu không muốn, ông bà đành xây góc phòng nhỏ khóa anh lại. Cơm nước mỗi ngày của anh Lành đều phải đựng vào túi bóng, lúc đói anh sẽ tự bốc ăn, người nhà không thể tiếp cận gần. Những năm gần đây, sức khỏe ông bà Tuy ngày càng yếu, việc chăm sóc người con tâm thần lại càng vất vả hơn bao giờ hết.
Ngày ngày, ông Tuy lê đôi chân tật nguyền ra tưới nước chăm sóc mảnh vườn rau...
...để bà bán kiếm thêm tiền mua thực phẩm qua ngày.
Bà Nuôi chia sẻ: “Tôi còn không được phép ốm, bởi tôi mà nằm thì cha con nhịn ăn. Mỗi tháng tiền chế độ chính sách của hai cha con không đủ thuốc thang. May mắn là những lúc túng quẫn nhất luôn có các cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm san sẻ đồng tiền, bát gạo”.
"Tôi chẳng ước ao chi lớn, chỉ mong trời thương đừng trở mưa nắng nhiều, vì mỗi lần như thế cả ông Tuy và thằng Lành đều kêu la đau đớn, tôi còn đau hơn!”
“Tôi chẳng ước ao chi lớn, chỉ mong trời thương đừng trở mưa nắng nhiều, vì mỗi lần như thế cả ông Tuy và thằng Lành đều kêu la đau đớn, tôi còn đau hơn!” - bà Nuôi xót xa.
Vất vả không kém bà Nuôi, ở tuổi 73, chồng mất hơn 30 năm nay, bà Nguyễn Thị Tý ở thôn Vĩnh Khánh, xã Trường Sơn (Đức Thọ) đang một mình cặm cụi chăm sóc hai người con gái bại não do ảnh hưởng của dioxin.
Bà Tý đã quen với việc một mình chăm sóc hai người con gái bệnh tật.
Sẽ chẳng có ngôn từ nào kể hết nổi những vất vả, khó khăn khi bà Tý chăm nuôi hai người con gái, một người 39 tuổi, người 41 tuổi nằm liệt giường, chân tay teo, miệng suốt ngày la hét trong vô thức. Bà Tý bày tỏ: “Tôi bây giờ quen rồi, chỉ xót xa một nỗi sinh con ra nhưng các con chưa một ngày được làm người bình thường, giá như tôi có thể chịu thay chúng".
Cách đó không xa, ở thôn Minh Thái, xã Trường Sơn (Đức Thọ) cũng có một gia đình nạn nhân chất độc da cam với 3 người ốm bệnh chỉ biết nằm nhìn nhau. Đó là gia đình ông Trần Trung Chuyển (77 tuổi).
Ông Chuyển là nạn nhân chất độc da cam trực tiếp, bị tai biến nằm liệt giường nhiều năm nay. Con trai duy nhất của ông - anh Trần Trung Công (41 tuổi) bị bại não do di chứng của dioxin. Mọi sinh hoạt của hai cha con vốn phụ thuộc vào người vợ, người mẹ là bà Nghiêm Thị Vân (75 tuổi) thì “họa vô đơn chí” cách đây gần 1 năm, bà Vân cũng bị bệnh tai biến và tiểu đường nằm một chỗ.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm hỏi sức khỏe gia đình ông Chuyển.
Những bữa cơm hằng ngày của gia đình ông Chuyển nay đều nhờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm xung quanh. Ông bà còn có người con gái nhưng lấy chồng xa, cuộc sống còn vất vả, cố gắng lắm mỗi ngày chị cũng chỉ tất tả chạy vội về lo bữa cơm chiều rồi lại quay về lo cho nhà mình.
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nguyễn Quang Tiến cho biết: “Hoàn cảnh của các gia đình nạn nhân chất độc da cam thực sự còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Tổ chức hội luôn quan tâm, động viên hội viên, thế nhưng phần lớn chỉ về mặt tinh thần còn vật chất nhiều lúc “lực bất tòng tâm”. Với nhiều hộ nạn nhân, việc tạo sinh kế cho họ cũng vô cùng khó khăn.
Mong rằng thời gian tới, bằng nhiều phương thức, các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, cộng đồng xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, sẻ chia để những gia đình nạn nhân được tiếp thêm động lực, niềm tin, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam”.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 19.000 nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó hơn 13.600 nạn nhân phơi nhiễm trực tiếp, hơn 5.300 nạn nhân phơi nhiễm gián tiếp. Trong số đó chỉ có 3.540 người tham gia kháng chiến đang được hưởng chế độ chất độc da cam; tổng số con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chính sách là 2.863 cháu. |