Thành viên mạng lưới truyền thông REDD+ tỉnh tuyên truyền cho một số hộ dân sống ở gần rừng về REDD+ và biến đổi khí hậu...
Anh Nguyễn Vũ Long - một trong 10 thành viên của mạng lưới, chia sẻ: Dù chỉ có ít người, lại đang công tác tại nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là trách nhiệm và hăng say với công việc… Nhờ Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn 2, tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực truyền thông nên nhìn chung, mạng lưới truyền thông REDD+ tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động tại các địa phương trong và ngoài tỉnh…
Có thể nói, ngoài các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú như: Thiết kế in ấn tờ rơi, pa-nô, băng rôn, khẩu hiệu, lịch treo tường; xây dựng biển tường, biển báo; đăng bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về REDD+ và BĐKH…, mạng lưới này còn có nhiều hoạt động truyền thông bổ ích, thiết thực khác. Theo đó, đã tổ chức trên 10 cuộc tập huấn nâng cao nhận thức về REDD+ và BĐKH cho các bên liên quan và người dân sống gần rừng; phối hợp với kiểm lâm, đoàn thanh niên, một số tổ chức hội, trường học… tổ chức các sự kiện truyền thông về REDD+.
Đại biểu và các thành viên mạng lưới truyền thông REDD+ tỉnh tham dự lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về REDD+ và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, trong thời gian qua, mạng lưới truyền thông về REDD+ tỉnh Hà Tĩnh còn phối hợp với 2 tỉnh Bôlykhămxay và Khăm Muộn (nước CHDCND Lào) tổ chức nâng cao năng lực về pháp luật lâm nghiệp cho lực lượng thanh tra lâm nghiệp; tổ chức các cuộc tuần tra chung khu vực rừng giáp ranh biên giới các tỉnh của 2 nước, qua đó, lồng ghép các hình thức truyền thông về REDD+…
Thực tế cho thấy, những hoạt động truyền thông thông qua các cuộc tập huấn, tuyên truyền trên đã đưa lại hiệu quả rất thiết thực trong việc nâng cao nhận thức về REDD+, rừng và BĐKH cho người dân, nhất là cộng đồng dân cư sống gần rừng.
Một trong những nội dung truyền thông về REDD+ và biến đổi khí hậu.
Ông Lê Văn Hòe - một người dân xã Phú Gia (huyện Hương Khê), thẳng thắn: "Nếu trước đây, hầu hết người dân chúng tôi đều nghĩ rừng là của chung nên mạnh ai nấy chặt. Chặt để lấy gỗ bán, chặt để lấy củi đun nấu, chặt phát để làm nương rẫy… Đôi khi cũng nghe nói phá rừng là vi phạm nhưng rồi người dân lại vào rừng chặt cây, phát rẫy… Thế nhưng, từ khi các anh chị trong đội truyền thông REDD+ của tỉnh phối hợp với kiểm lâm và chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền về REDD+, bảo vệ rừng, BĐKH, người dân chúng tôi hầu hết đã hiểu để từ đó không phá rừng như trước nữa".
Không chỉ ở Phú Gia, tại nhiều địa bàn dân cư sống gần rừng, coi rừng là nguồn kiếm sống…, sau khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, thậm chí tham vấn người dân về nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng, thì sau đó, rừng trên địa bàn đã được bảo vệ tốt hơn, hạn chế được cảnh chặt phá rừng và không để xảy ra cháy rừng.
Phối hợp tuần tra rừng chung giữa 2 tỉnh giáp ranh Hà Tĩnh - Bôlykhămxay (Lào).
Không khó để nhận ra, trong những năm gần đây, Chương trình REDD+ tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động, linh hoạt trong hoạt động truyền thông. Chẳng hạn: Tổ chức hội thảo, triển lãm ảnh đẹp… về lâm nghiệp lồng ghép vào ngày truyền thống lực lượng kiểm lâm và ngày Lâm nghiệp Việt Nam; phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức mít tinh và đạp xe diễu hành nhân ngày Môi trường Thế giới và kết biểu tượng REDD+ tại quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc); phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội thi "Phụ nữ với rừng và BĐKH"; tổ chức các trường thi vẽ tranh về rừng và BĐKH…
Ông Nguyễn Xuân Hoan - cán bộ Chương trình UN-REDD Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hoạt động truyền thông REDD+ tỉnh Hà Tĩnh đã đóng góp rất lớn trong việc nâng cao nhận thức cho các bên liên quan và người dân về REDD+, rừng và BĐKH. Các thành viên của mạng lưới truyền thông REDD+ tỉnh là những người đầu tiên đưa những kiến thức, hiểu biết của mình về REDD+ và BĐKH… đến với người dân".