Đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh do Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lich Bùi Xuân Thập dẫn đầu làm việc với huyện Nghi Xuân.
Năm 2019, trên địa bàn huyện Nghi Xuân, thiên tai đã làm tốc mái hoàn toàn 114 ngôi nhà, làm hư hại 700 ha lúa hè thu, lúa mùa, 235 ha rau màu; 143 ha nuôi cá nước ngọt bị chìm trong nước lũ. Hậu quả của những trận lốc xoáy, mưa lũ trong năm 2019 để khá nặng nề, thiệt hại lên đến 9.4 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng: Năm 2019, huyện Nghi Xuân đã đầu tư làm mới một số công trình như đập khe Chọ (Xuân Lĩnh), công trình thủy lợi tiêu thoát úng ở Xuân Lam nên quá trình sản xuất của bà con gặp nhiều thuận lợi.
Từ đầu năm nay, các phương án, kịch bản ứng phó với mưa bão đã được huyện Nghi Xuân triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, hiện tại, một số công trình đê sông, đê biển đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của hàng trăm hộ dân khi mưa lũ tràn về. Vì vậy, huyện Nghi Xuân mong muốn nhận được sự hỗ trợ về kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình bị xuống cấp.
Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đại tá Nguyễn Tất Nhân: Chế ngự thiên tai là điều không thể nhưng nếu chúng ta phòng, chống tốt sẽ giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên nhiên gây ra.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của huyện Nghi Xuân trong việc chủ động xây dựng các kịch bản di dời, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đồng thời đề nghị huyện tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng chống bão lụt.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ngô Đức Hợi: Nghi Xuân có 870 tàu thuyền các loại , do đó, huyện cần lên các phương án kịch bản đối phó và ứng cứu khi mưa lũ tràn về.
Mặt khác, huyện cần chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, bảo vệ thành quả của huyện nông thôn mới.
Đoàn công tác cũng đồng tình với đề xuất, kiến nghị của huyện Nghi Xuân đối với việc sửa chữa, đầu tư nâng cấp đập đê hữu sông Lam (Xuân Phổ), đê Đá Bạc (Cương Gián) và hứa sẽ kiến nghị cấp trên xem xét và giải quyết.
Đoàn công tác khảo sát hiện trường đê hữu sông Lam (Xuân Phổ)
Trước đó, Đoàn công tác đã đến khảo sát đê hữu sông Lam đoạn thuộc thôn Thống Nhất, xã Xuân Phổ và đê Đá Bạc ở thôn Song Nam, xã Cương Gián.